11/09/2020 05:30 GMT+7

Mỹ quan ngại về 'những hành động gây hấn' của Trung Quốc ở Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Mỹ và Trung Quốc tích cực thuyết phục các đối tác, thậm chí không ngần ngại chỉ trích nhau trong khuôn khổ Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 53 (AMM 53). Ngoại trưởng Mỹ đã bày tỏ quan ngại về "những hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN - Mỹ ngày 10-9 - Ảnh: AFP

Sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Mỹ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông, xuất phát từ nhu cầu chính trị của Mỹ, ngày 10-9 đến lượt Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đáp trả.

Một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những hoạt động, việc cải tạo đất và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, vốn đã làm xói mòn lòng tin và niềm tin, gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực.

Trích thông cáo chung AMM 53.

Ngấm ngầm cạnh tranh

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng với một số quốc gia ASEAN và "nhiều đối tác khác" bày tỏ quan ngại về "những hành động gây hấn" của Trung Quốc ở Biển Đông tại AMM 53.

Phát biểu tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ ngày 10-9, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định việc ASEAN xây dựng thành công cộng đồng và đóng vai trò trung tâm của khu vực là phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Ông Pompeo đồng thời đánh giá cao vai trò chủ động của Việt Nam trong cương vị chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong điều phối các nỗ lực khu vực cùng với các đối tác ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhìn nhận tích cực về Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), tái khẳng định cam kết của Mỹ về xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi.

Trước đó trong cuộc họp với Trung Quốc ngày 9-9, ASEAN cũng hoan nghênh các sáng kiến hợp tác đã được triển khai trong năm như khởi động năm ASEAN - Trung Quốc về hợp tác số vào tháng 6-2020, thúc đẩy gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025 với sáng kiến "Vành đai, Con đường", đảm bảo chuỗi cung ứng và kết nối...

Như vậy một lần nữa, giới quan sát tập trung vào các lập luận của Mỹ và Trung Quốc, khi Washington và Bắc Kinh tích cực thuyết phục các đối tác ủng hộ sáng kiến do mình dẫn dắt.

Nhận định với Tuổi Trẻ, TS Satoru Nagao (Viện Hudson, Mỹ) cho rằng về phương diện kinh tế, Mỹ sẽ yêu cầu các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương áp dụng chính sách cứng rắn tương tự những gì Washington đang làm với Bắc Kinh, đơn cử là việc phê duyệt các sản phẩm của những hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ZTE.

"Đối với trường hợp ASEAN, Mỹ chưa yêu cầu các nước ASEAN chọn phe. Tuy nhiên như lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trước đây, trong tương lai gần, điều này sẽ xảy ra" - ông Nagao bình luận.

Việt Nam đề nghị các bên tăng cường lòng tin

Tại các cuộc họp trong khuôn khổ AMM 53, Việt Nam ở vai trò chủ tịch ASEAN, đã nhấn mạnh lập trường trung lập, hoan nghênh sự hợp tác của các nước với sự phát triển của ASEAN, cũng như việc thượng tôn pháp luật quốc tế.

Tại Hội nghị ASEAN - Mỹ ngày 10-9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao Mỹ ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm trong duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc họp trên, Phó thủ tướng nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của ASEAN, đề nghị các bên tăng cường tin cậy chung và lòng tin, đề cao thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực.

Trong ngày 10-9, ASEAN có thêm các cuộc gặp song phương với các đối tác Canada, Úc và New Zealand. Các đối tác đánh giá cao vai trò của ASEAN trong các chương trình nghị sự quan trọng, cũng như ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Mỹ: Đừng làm ăn với công ty Trung Quốc tiếp tay xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

Ngày 10-9, trong hội nghị trực tuyến với các ngoại trưởng 10 nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thúc giục các nước cắt quan hệ với những công ty Trung Quốc nào đang tiếp tay xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo Hãng tin AFP.

Lời kêu gọi được ông Pompeo đưa ra khoảng vài tuần sau khi Mỹ liệt vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc hôm 26-8 vì "vai trò của họ trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông".

"Hãy xem xét lại các mối quan hệ làm ăn với những công ty quốc doanh bắt nạt các quốc gia ven Biển Đông. Đừng để Trung Quốc đối xử tệ hại với chúng ta và người dân của chúng ta. Đừng chỉ nói mà nên hành động" - ông Pompeo nhấn mạnh.

BÌNH AN

Mỹ, Trung lạc quan về thỏa thuận thương mại sau điện đàm Mỹ, Trung lạc quan về thỏa thuận thương mại sau điện đàm

TTO - Các quan chức Mỹ và Trung Quốc lạc quan về tiến trình giải quyết các vấn đề trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đạt được hồi tháng 1-2020 sau cuộc điện đàm giữa hai bên, theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR).


NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên