Tổng thống Maduro vẫy cờ trước những người ủng hộ ông ngày 23-1 ở thủ đô Caracas - Ảnh: REUTERS
"Mỹ không công nhận chế độ Maduro là đại diện cho chính phủ Venezuela. Do đó, Mỹ cho rằng cựu tổng thống không có quyền cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela, hay tuyên bố các nhà ngoại giao của Mỹ là persona non grata (các nhân vật không được hoan nghênh - PV)" - Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong tuyên bố phát đi sáng 24-1 (giờ VN).
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela nhanh chóng leo thang trong vòng 24 giờ qua. Ngày 23-1, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Venezuela tự tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng công nhận ông Guaido và kêu gọi các nước khác làm theo.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro - người vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 6 năm hôm 10-1, đáp trả bằng tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Mỹ và yêu cầu các nhà ngoại giao Washington rời khỏi nước này trong vòng 72 tiếng.
Trong tuyên bố sáng 24-1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức gọi ông Guaido là "quyền tổng thống Venezuela" và hoan nghênh quyết định duy trì quan hệ ngoại giao của Venezuela với tất cả các nước của "nhà lãnh đạo mới", theo hãng thông tấn AFP.
"Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp để buộc bất kỳ kẻ nào đe dọa đến an nguy của phái đoàn ngoại giao Mỹ cùng các thành viên của phái đoàn phải chịu trách nhiệm cho hành động đó" - tuyên bố cảnh báo.
Cờ Mỹ xuất hiện trong cuộc biểu tình chống ông Maduro của phe đối lập Venezuela ở thủ đô Caracas ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
"Mỹ sẽ sát cánh cùng Tổng thống lâm thời Juan Guaido, Quốc hội được bầu cử dân chủ và nhân dân Venezuela trong lúc họ khôi phục ôn hòa trật tự hiến pháp cho đất nước Venezuela.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Tổng thống lâm thời Guaido khi ông thành lập một chính phủ chuyển tiếp và thực hiện các nghĩa vụ hiến pháp của mình với tư cách là Tổng thống lâm thời, bao gồm cả việc định đoạt số phận của các đại diện ngoại giao Venezuela tại Mỹ và các quốc gia khác" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn nhấn mạnh.
Tuyên bố của Mỹ kết thúc bằng việc kêu gọi quân đội Venezuela "tiếp tục bảo vệ phúc lợi và quyền lợi của tất cả công dân Venezuela, cũng như công dân Mỹ và công dân các nước khác ở Venezuela".
Ngay sau động thái của chính quyền Washington, một số các quốc gia Mỹ Latin đã lên tiếng công nhận ông Guaido. Mỹ và phần lớn các nước Nam Mỹ không công nhận cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Maduro hồi năm ngoái.
"Tiếng nói của nhân dân Venezuela là không thể bị phớt lờ. Chúng tôi kêu gọi một tiến trình chính trị ngay lập tức cho một cuộc bầu cử tự do, đáng tin cậy dựa trên hiến pháp" - đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini ra tuyên bố tối 23-1.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo ông Maduro và những người trung thành với ông, rằng Washington sẵn sàng tăng cường các biện pháp trừng phạt dầu, vàng và các hành động không xác định "nếu họ làm hại bất kỳ thành viên Quốc hội nào, hoặc bất kỳ quan chức hợp pháp nào của chính phủ Venezuela".
Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido đã tự tuyên bố trở thành Tổng thống lâm thời Venezuela ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
Đất nước Venezuela phụ thuộc vào dầu mỏ đã tê liệt bởi cuộc suy thoái kéo dài 4 năm kể từ khi ông Maduro lên cầm quyền. Tình trạng nghèo đói tăng cao trong khi phần lớn dân số bị thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men.
Lạm phát đã tăng vọt với dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế rằng lên tới 10 triệu phần trăm trong năm 2019, theo hãng thông tấn AFP.
Sự thất bại của các dịch vụ công như nước, điện và giao thông, đã dẫn tới một cuộc di cư hàng loạt của người Venezuela. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2015 đã có 2,3 triệu người Venezuela bỏ ra nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận