Theo Hãng tin Reuters ngày 3-2, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Philippines đã nhất trí nối lại các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông. Thông tin được đưa ra ngay sau chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Trong tuyên bố chung được phát ngày 2-2, Lầu Năm Góc cho biết việc khởi động lại các cuộc tuần tra chung nhằm "giải quyết các thách thức an ninh".
Một quan chức cấp cao của Philippines cho biết vấn đề tuần tra chung trên Biển Đông "được đưa ra vào phút chót" trong cuộc thảo luận giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.
Các quan chức cũng công bố một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận bốn căn cứ khác trong "các khu vực chiến lược" ở Philippines. Hiện vị trí của các căn cứ này chưa được công bố.
Về các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận các vấn đề như địa điểm tuần tra, tần suất và các lực lượng nào sẽ tham gia trong thời gian tới.
"Tất nhiên, mọi thứ sẽ đi vào chi tiết. Do đó về mặt kỹ thuật, nếu cuối cùng chúng tôi không đồng ý về cách thức tiến hành, mọi chuyện sẽ không thể tiến triển được", một quan chức Philippines nói với Hãng thông tấn AFP ngày 3-2.
Mỹ và Philippines ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1951, trước cả các đồng minh quan trọng bậc nhất hiện nay của Washington ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sau khi rút quân khỏi vịnh Subic năm 1992, Thỏa thuận lực lượng thăm viếng năm 1998 và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) năm 2014 trở thành cơ sở pháp lý cho sự hiện diện luân phiên của quân đội Mỹ tại Philippines.
Hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Mỹ và Philippines đã bị trì trệ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte - người chủ trương gần gũi với Trung Quốc về kinh tế.
Điều này đã làm rạn nứt liên minh lâu đời giữa hai nước và Tổng thống mới Ferdinand Marcos đang muốn hàn gắn lại với Mỹ.
Theo Reuters, sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan và việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông đã tạo động lực mới cho Washington và Manila tăng cường liên minh.
Hiện Trung Quốc, nước luôn phản đối sự tăng cường hiện diện của các nước phương Tây ở Biển Đông, vẫn chưa đưa ra bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận