Trên tài khoản X (trước đây là Twitter) chính thức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mô tả các cuộc gặp ngày 4-6 tại Campuchia là "hiệu quả".
Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha là những lãnh đạo Campuchia mà ông Austin đã gặp.
"Tôi đã có những cuộc nói chuyện thực chất về các cách tăng cường quan hệ quốc phòng Mỹ - Campuchia và tôi mong muốn được đối thoại thêm", người đứng đầu Lầu Năm Góc bày tỏ.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận về khả năng nối lại các cuộc trao đổi huấn luyện hỗ trợ thảm họa và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ. Các cơ quan liên quan của Mỹ và Campuchia sẽ tiếp tục trao đổi về những vấn đề trên trong thời gian tới.
Các quan chức quốc phòng Mỹ thừa nhận chuyến thăm phản ánh mong muốn của Mỹ trong việc tạo ra mối quan hệ tốt hơn với Campuchia, đặc biệt trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc ngày càng tăng.
Họ đặc biệt hy vọng ông Austin có thể tạo mối quan hệ với Thủ tướng Hun Manet, người cũng tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point như ông và được coi là cởi mở hơn với phương Tây.
"Gặp mặt trực tiếp cho chúng tôi cơ hội không chỉ để nói rõ ràng về mối quan ngại của mình mà còn nói về cách chúng tôi có thể làm việc cùng nhau trong tương lai để củng cố quan hệ. Mỹ không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải lựa chọn giữa các đối tác", một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói với Đài CNN.
Khi được hỏi về quân cảng Ream của Campuchia, nơi truyền thông phương Tây cho rằng sẽ là một căn cứ đồn trú của hải quân Trung Quốc, vị này cho biết ông Austin đã nêu vấn đề trong cuộc gặp với quan chức Campuchia.
Phnom Penh đã nhiều lần bác bỏ các thông tin trên, nhấn mạnh hiến pháp nước này không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự.
Quan hệ của Mỹ với Campuchia đã nguội lạnh trong nhiều năm qua vì nhiều vấn đề. Năm 2017, nước này hủy các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và phá hủy một cơ sở do Mỹ xây dựng tại Ream vào năm 2020, sau khi Washington nhiều lần lên án tình hình nhân quyền và dân chủ ở Campuchia.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden còn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân Campuchia khi cho rằng cuộc bầu cử không công bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận