Binh sĩ Hàn Quốc điều khiển hệ thống loa tuyên truyền dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
Cuộc điện đàm diễn ra hôm qua 7-1, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công
Theo Reuters, ông John Kerry cho biết đã nói chuyện thẳng thắn với ông Vương Nghị. Ông Kerry giải thích:
“Trung Quốc có cách ứng xử riêng của họ, chúng tôi chấp thuận và tôn trọng để họ thực hiện điều đó. Nhưng hôm nay trong cuộc nói chuyện của tôi với phía Trung Quốc, tôi đã nói rõ rằng cách ứng xử đó không hiệu quả và chúng ta không thể tiếp tục mọi việc theo cách như lâu nay được nữa”.
Đồng minh lạnh nhạt
Theo các thông tin có được, Trung Quốc là đồng minh chống lưng cả về kinh tế lẫn ngoại giao của Triều Tiên mặc dù quan hệ giữa hai nước trong những năm qua đã lạnh nhạt đi nhiều.
Phần lớn hợp đồng làm ăn của Triều Tiên đều ký kết với Trung Quốc. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, năm 2013 Trung Quốc đã mua tới 90% lượng hàng xuất khẩu của Triều Tiên.
Vụ thử bom H không hề báo trước theo như tuyên bố của Triều Tiên hôm 6-1 đã khiến cả Mỹ và Trung Quốc nổi giận.
Theo ông Kerry, ông và ngoại trưởng Trung Quốc đã thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc tìm ra những biện pháp thích đáng trước bối cảnh gia tăng nguy cơ về thử bom hạt nhân.
Trong một động thái đoàn kết hiếm hoi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Quốc hội Mỹ cam kết sẽ đồng lòng trong việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi cho biết Đảng Dân chủ sẽ ủng hộ dự luật trừng phạt Triều Tiên do các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đưa ra bỏ phiếu dự kiến vào ngày 11-1.
Tuy nhiên, cũng khó biết các lệnh trừng phạt đó, nếu được áp dụng, sẽ làm Triều Tiên chùn tay đến đâu.
Vì quốc gia này đã tiến hành tới bốn vụ thử bom hạt nhân kể từ năm 2006 tới nay và gần như không mấy để tâm tới những áp lực trừng phạt của quốc tế. Mỹ và quốc gia đồng minh Hàn Quốc vẫn tỏ ra hạn chế trong các phản ứng quân sự với Triều Tiên.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc cùng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã nêu lên quan ngại hoặc lên án việc Bình Nhưỡng tiến hành thử bom hạt nhân vừa qua.
Trong một động thái phản ứng trực tiếp với Triều Tiên về vụ thử bom H, Hàn Quốc tuyên bố nối lại hoạt động của hệ thống loa tuyên truyền dọc biên giới với Triều Tiên từ ngày 8-1.
Nước này cũng nâng mức cảnh báo quân sự lên cấp cao nhất ở những khu vực dọc biên giới, gần với hệ thống loa này.
Bình Nhưỡng muốn hòa bình?
Trong một động thái bất ngờ, Triều Tiên hôm 8-1 được nói đang tìm cách ký hiệp ước hòa bình với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh.
Reuters dẫn lời nhân vật chuyển tải thông điệp từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh nói rằng Triều Tiên sẽ không ngưng việc thử hạt nhân đến khi có được một hiệp ước hòa bình.
Nguồn tin từ chối nêu danh tính này cho biết: “Triều Tiên sẽ cứ thử hạt nhân đến khi Trung Quốc và Mỹ chịu ký một hiệp ước hòa bình”. Người đưa tin này có nhiều mối liên hệ ở Bình Nhưỡng và đã đoán chính xác lần thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên hồi năm 2006.
Chiến tranh Triều Tiên (1950 -1953) chấm dứt bằng một thỏa thuận đình chiến do Mỹ, đại diện của Liên Hiệp Quốc, quân đội Triều Tiên và quân đội Trung Quốc ký, không phải một hiệp ước hòa bình. Giờ đây, Triều Tiên muốn các bên kể trên và Hàn Quốc cùng ký một hiệp định hòa bình.
“Vụ thử hạt nhân này chủ yếu để Mỹ phải chú ý. Mục đích chính là lôi Mỹ vào vòng đàm phán bốn bên nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh và để bán đảo Triều Tiên có hòa bình mãi mãi” - nguồn tin này nói.
Giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng tin rằng Mỹ sẽ chỉ chịu đồng ý đàm phán nếu Triều Tiên thể hiện sức mạnh thông qua vũ khí. Với việc yêu cầu về hiệp định hòa bình bị từ chối, Bình Nhưỡng sẽ vẫn tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Nguồn tin từ Chính phủ Mỹ cho biết tính tới sáng 7-1 (theo giờ Mỹ), các máy bay do thám của Mỹ cùng nhiều thiết bị cảm biến khác vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho tuyên bố thử thành công bom H của Triều Tiên. Trong khi đó, như AFP cho hay, Cơ quan An toàn hạt nhân Hàn Quốc hôm 8-1 nói đã xác định được sự hiện diện một lượng rất nhỏ khí xenon sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H hôm 6-1. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nói cần có nhiều phân tích và thu thập thêm các mẫu không khí để xác định xem liệu khí xenon này có phải xuất phát từ vụ thử hay không. Các chuyên gia nói sự hiện diện của khí xenon không cho biết vụ nổ xuất phát từ bom H hay không. Nhiều chính phủ và chuyên gia nghi ngờ tuyên bố của Triều Tiên rằng thử thành công bom H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận