Tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc trực tiếp đe dọa các hoạt động dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong hai tháng trở lại đây - Ảnh: AFP
Tuyên bố được ông Cảnh Sảng đưa ra hai ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố lên án các hành vi "khiêu khích" và "gây bất ổn" của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí trên Biển Đông, "bao gồm các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam".
Đáng chú ý trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington cáo buộc Trung Quốc đã cố tình gây áp lực lên các nước ASEAN để chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm mục đích ngăn chặn các nước hợp tác với nước thứ ba để khai thác dầu khí trên Biển Đông, từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Trước đó vào ngày 20-7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng lên tiếng chỉ trích "các hành động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc", khẳng định những hành động như vậy sẽ "phản tác dụng với những người hàng xóm Đông Nam Á" của Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã "đáp trả" các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ và ông Bolton.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nhấn mạnh các cáo buộc của phía Mỹ về Biển Đông là "vô căn cứ", cáo buộc Mỹ và "các thế lực bên ngoài" đang cố tình gây chuyện ở Biển Đông.
"Đây là một sự vu khống nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như xử lý phù hợp các khác biệt. Các nước và người dân ở khu vực sẽ không tin lời họ”, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ ngừng ngay lập tức cách hành xử vô trách nhiệm và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc cũng như các quốc gia ASEAN trong việc giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định trên Biển Đông".
Các tuyên bố của ông Cảnh Sảng một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang cố tình lờ đi thực tế tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của họ đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc không hề nhắc đến việc các tàu hải cảnh Trung Quốc đã cản trở, thậm chí đe dọa các hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam và các nước khác như Malaysia như thế nào trong vài tháng qua.
Trong cuộc họp báo ngày 19-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh vùng biển mà tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống nó đang có mặt hoàn toàn thuộc vùng biển của Việt Nam chiếu "theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực", đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận