Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) - đã chia sẻ như vậy tại họp báo thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam và hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4-4. Họp báo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Đề nghị Mỹ hỗ trợ rà phá 250.000 - 300.000 ha
Theo đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh thông qua các bộ Quốc phòng, Ngoại giao. Sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ và rà phá bom mìn.
Đến năm 2028, Chính phủ Mỹ sẽ tăng cường đào tạo nhân lực rà phá bom mìn theo tiêu chuẩn quốc tế và tài trợ chi phí cho lực lượng cố vấn kỹ thuật cấp cao khắc phục hậu quả bom mìn cho Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đề nghị Mỹ giúp đỡ rà phá 250.000 - 300.000 ha. Tuy vậy, việc này còn chờ Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.
Cũng theo đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại Hà Giang đã rà phá được hơn 1.000 ha tại các huyện Vị Xuyên, Mèo Vạc.
Tuy nhiên, số lượng thống kê chính thức chưa có vì còn khó khăn trong xác định ADN, danh tính các liệt sĩ. Trong khi chờ Quốc hội phê duyệt dự án khác, lực lượng vũ trang Quân khu 2, tỉnh Hà Giang tận dụng nguồn lực tiếp tục tìm kiếm, rà phá bom mìn.
Mỹ, Nhật muốn giúp Việt Nam rà phá bom mìn thế nào?
Theo đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, qua nắm bắt, Bộ Quốc phòng Mỹ đã “có tín hiệu” hợp tác trong rà phá bom mìn qua việc cử chuyên gia sang làm việc với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam. Còn với Nhật Bản, nước này muốn hỗ trợ thiết bị đặc chủng. Nếu thuận lợi, Việt Nam có thể tiếp nhận thiết bị trị giá hơn 4 triệu USD.
“Chúng tôi đã tiếp cận, trao đổi với phía bạn. Nếu dùng thiết bị này trên vùng biên giới phía bắc thì rất tốt”, ông Phúc bày tỏ.
Còn thiếu tướng Nguyễn Thành Định - phó chủ tịch Hội Khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam - cho hay thời gian qua hội đã có chương trình hỗ trợ sinh kế như bò giống, hỗ trợ xe đạp cho học sinh hoặc hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bom mìn. Tuy vậy, ông mong muốn các nhà hảo tâm, tổ chức hỗ trợ người dân vượt qua hậu quả bom mìn sót lại.
Theo bà Phạm Thị Hải Hà - phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Chính phủ rất nỗ lực trong cải thiện đời sống người khuyết tật, nạn nhân bom mìn. Chẳng hạn, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng thêm 90.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng. Các nhân viên công tác xã hội tại các tỉnh thành sẽ giúp nạn nhân bom mìn tìm được việc làm ổn định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận