31/08/2020 06:25 GMT+7

Mỹ - Nhật bàn cách đối phó Trung Quốc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính sách của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi Thủ tướng Shinzo Abe rời nhiệm sở được cho là sẽ khó có thay đổi lớn, dù ít nhiều sẽ ảnh hưởng về mức độ quyết đoán của Tokyo.

Mỹ - Nhật bàn cách đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (phải) cảm thấy buồn khi biết tin về tình hình sức khỏe của Thủ tướng Shinzo Abe mà ông xem là người bạn tuyệt vời - Ảnh: AFP

Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Guam. Hai bên đã nhất trí kịch liệt phản đối những quốc gia đơn phương dùng vũ lực thay đổi hiện trạng Biển Đông và biển Hoa Đông.

Chú ý tên lửa của Trung Quốc

Đó là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai bộ trưởng kể từ tháng 1-2020, sự kiện này cũng diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe thông báo ý định từ chức. Cộng với việc Biển Đông xuất hiện nổi bật trong chương trình nghị sự sau cuộc gặp, có thể thấy Nhật đã phát đi một số tín hiệu cho thời kỳ "hậu Abe".

Hãng thông tấn Kyodo cho biết sau cuộc gặp, ông Kono và ông Esper nhất trí xung quanh một số vấn đề về hợp tác quốc phòng, với lĩnh vực hẹp là tìm lựa chọn thay thế cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore. 

Hồi tháng 6, Nhật Bản đã hủy kế hoạch triển khai Aegis Ashore vì một số lý do về tài chính và kỹ thuật, nhưng Tokyo cho biết sẽ trình bày về hệ thống phòng thủ tên lửa mới trong tháng 9 này.

Mặc dù Aegis Ashore ban đầu được nhắm tới như giải pháp trước việc phát triển tên lửa của Triều Tiên, nội dung hợp tác quốc phòng lần này giữa Nhật Bản và Mỹ có khả năng rộng hơn thế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng Nhật và Mỹ đang tập trung vào năng lực tên lửa của Trung Quốc, xét tới thông tin về việc gần đây Trung Quốc thử nghiệm cả hai tên lửa (chống hạm) DF-21D, DF-26. Theo ông Nagao, điều đáng quan ngại nhất là đầu đạn mới cho các loại tên lửa như DF-17, 21D và DF-26.

Đầu đạn này trang bị phương tiện lướt siêu thanh, khi được phóng chúng sẽ như tên lửa đạn đạo, nhưng sau đó nó sẽ giống tên lửa hành trình. Thêm vào đó, hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay được trang bị chống các tên lửa đạn đạo thông thường sẽ không thể đủ khả năng can thiệp. 

"Trung Quốc đang dùng các loại tên lửa này để xua đuổi tàu sân bay Mỹ khỏi Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản cần những hệ thống phòng thủ tên lửa mới, nên đây là lý do Nhật Bản từ bỏ việc nhập khẩu Aegis Ashore từ Mỹ. Bản thân Aegis Ashore không đủ sức kháng những loại đầu đạn như thế" - ông Nagao phân tích.

Mỹ sẽ yêu cầu Nhật hành động nhiều hơn

Trong giai đoạn này, Washington không giấu tham vọng kêu gọi đồng minh gia tăng sức ép với Trung Quốc.

"Mỹ sẽ yêu cầu đồng minh ít nhất hai thứ: chia sẻ gánh nặng an ninh và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Trung Quốc. Chính sách kinh tế đóng vai trò rất quan trọng, vì vấn đề của Trung Quốc là tiền. 

Khi thiếu tiền, Trung Quốc không thể hiện đại hóa quân sự nhanh như vậy. Không có tiền, Trung Quốc không thể tiếp tục "ngoại giao bẫy nợ" thông qua Vành đai - Con đường. Vì vậy lúc này Mỹ tập trung vào việc làm thế nào để giảm thu nhập của Trung Quốc, và xét tới tình huống này, tôi đồng ý rằng Mỹ sẽ yêu cầu Nhật Bản hành động nhiều hơn trong việc tách khỏi Trung Quốc. 

Nhưng đồng thời, đây không phải là động thái mới. Trước hay sau khi ông Abe từ chức cũng không có gì khác biệt cả. Sẽ không khác biệt về chính sách, nhưng khác về mức độ leo thang" - TS Nagao nhận định.

TS Nagao dẫn chứng việc bản thân Thủ tướng Abe là người kiên quyết với mô hình "tứ giác kim cương" QUAD - một đối trọng của Trung Quốc, và quyết định của ông xuất phát từ quan điểm của chính ông lẫn Cơ quan An ninh quốc gia Nhật Bản (NSS, tương ứng NSC của Mỹ).

Và vì sử dụng hệ thống NSS, Nhật Bản ra Chiến lược an ninh quốc gia, từ đó những quyết định mang tính chiến lược như vậy khó có khả năng dừng lại. Tuy nhiên, "không có một chiến lược gia như ông Abe, sẽ không dễ thúc đẩy chiến lược lên tầm cao mới. Trong trường hợp này, ông ấy là người có thể tạo ảnh hưởng".

Nhật vẫn cam kết an ninh

Theo đánh giá của giới truyền thông Nhật Bản với Tuổi Trẻ, trong chính quyền, Thủ tướng Abe là người tập trung vào vấn đề an ninh và đối ngoại, trong khi Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga là người chủ yếu kiểm soát vấn đề kinh tế. Ông Suga được đánh giá là một trong những ứng viên thay ông Abe, do đó có lý do để giới an ninh Mỹ lo lắng khi ông Abe không còn lãnh đạo nước Nhật.

Nhưng với việc tuyên bố trình bày phương án thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ngay tháng 9 này, Nhật Bản ít nhiều đã bắn tín hiệu cam kết an ninh.

Ấn Độ bí mật đưa tàu chiến tới Biển Đông thách thức Trung Quốc? Ấn Độ bí mật đưa tàu chiến tới Biển Đông thách thức Trung Quốc?

TTO - Hải quân Ấn Độ đã bí mật triển khai một tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6, theo truyền thông Ấn Độ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên