08/08/2009 05:24 GMT+7

Mỹ nhân và Anh hùng: Thêm một vở kịch về Trần Thủ Độ

VIỆT HOÀI - ĐAN HUYỀN
VIỆT HOÀI - ĐAN HUYỀN

TT - Được chuyển thể từ kịch bản văn học cùng tên của nhà biên kịch Chu Thơm, Mỹ nhân và anh hùng là tác phẩm đầu tiên của đạo diễn NSND Lê Hùng, từ sau khi ông được bổ nhiệm chức vụ quyền giám đốc Nhà hát Kịch VN tháng 7-2009.

w39YUKbO.jpgPhóng to
NSƯT Trung Anh (đứng giữa, vai Trần Cảnh) trên sàn tập Nhà hát Kịch VN - Ảnh: Đan Huyền

Vở kịch Mỹ nhân và anh hùng sẽ là tác phẩm tham dự Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 tại TP.HCM, cũng là một tác phẩm sân khấu tham gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Đây là một trong số những sáng tác được đánh giá cao trong trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. Với kịch bản này, Lê Hùng sẽ đưa lên sàn diễn những nhân vật lịch sử trong bối cảnh chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, đặc biệt là câu chuyện về cuộc đời nữ vương duy nhất của VN Lý Chiêu Hoàng.

“Bội thực” một đề tài

Không sợ trùng lặp

Đạo diễn Lê Hùng tỏ ra khá tự tin: “Tuy đề tài là những vấn đề xưa cũ, vẫn là hình ảnh thái sư Trần Thủ Độ, vẫn là bối cảnh thời nhà Trần, song chắc chắn vở kịch sẽ có những nét mới hấp dẫn người xem. Lịch sử thì xưa nay vẫn “cũ” như thế, nhưng nếu có những góc nhìn mới, khai thác những khía cạnh mới thì tác phẩm của mình sẽ không bao giờ bị trùng lặp”. Khi được hỏi về những cái mới trong vở kịch lần này, đạo diễn Lê Hùng bật mí đó là sự xuất hiện của các nhân vật “chép sử già” và “chép sử trẻ” do hai nghệ sĩ Quốc Khánh và Xuân Bắc thể hiện, đó cũng sẽ là những điểm nhấn xuyên suốt toàn bộ vở kịch.

Vở kịch cũng quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc và có nghề trong làng kịch nói Hà Nội như: NSƯT Trung Anh trong vai đức vua Trần Cảnh, nghệ sĩ Tuấn Minh trong vai thái sư Trần Thủ Độ, nghệ sĩ Quế Hằng trong vai Trần Thị Dung, và đặc biệt cặp danh hài nổi tiếng nghệ sĩ Xuân Bắc - nghệ sĩ Quốc Khánh lần này lại hiện diện trong những vai diễn đầy tâm trạng là quan chép sử trẻ và già...

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là trong bối cảnh đề tài lịch sử đang ngày một trở nên nóng hổi như hiện nay, dường như đề tài về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ lại đang rơi vào tình trạng bị khai thác đến độ người xem cảm thấy “bội thực”. Gần đây nhất phải kể đến bộ phim dài tập Trần Thủ Độ của đạo diễn Đào Duy Phúc, do Hãng Phim truyện 1 VN sản xuất đang khiến báo chí tốn nhiều giấy mực.

Xa hơn nữa phải kể đến vở kịch Rừng trúc của nhà văn Nguyễn Đình Thi do đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Phạm Thị Thành dàn dựng. Vở kịch đã góp phần quyết định đưa Lê Khanh trở thành NSND trẻ nhất VN với vai Lý Chiêu Hoàng. Vậy với một nội dung đã được “khai thác có hiệu quả” thì đâu là nguyên nhân khiến đạo diễn Lê Hùng vẫn tiếp tục đi vào khai thác một đề tài có phần “cạn kiệt” như vậy?

Mỹ nhân chi phối

Từ góc độ kịch bản, công bằng mà xét thì Mỹ nhân và anh hùng có nhiều hành động, nhiều chi tiết để “diễn” hơn hẳn Rừng trúc (nhiều nhà nghiên cứu đã nói: “Kịch của ông Thi là kịch để đọc chứ không phải kịch để diễn”). Nhưng thật sự ngôn ngữ kịch cũng như bề dày văn hóa thì Mỹ nhân và anh hùng thua kém Rừng trúc khá xa.

Nhiều người đi xem Rừng trúc cách nay cả chục năm vẫn còn nhớ như in những đoạn độc thoại dài 7-10 phút của Lý Chiêu Hoàng, với lời thoại đẹp như thơ dù câu văn có nhiều từ cổ, nhiều điển cố không mấy dễ hiểu. Và điều cơ bản là Rừng trúc không cần đến yếu tố mỹ nhân, còn trong Mỹ nhân và anh hùng, mỹ nhân đóng vai trò chi phối khá nhiều tình huống và quyết định khá nhiều đến diễn biến tâm lý nhân vật.

Không còn là một biểu tượng của người trí thức, của vẻ đẹp bất hạnh trong Rừng trúc, Lý Chiêu Hoàng đã vừa là anh hùng vừa là mỹ nhân trong ván cờ chính trị thời chuyển giao Lý - Trần, như người mẹ của mình - hoàng hậu cuối cùng của triều Lý - Trần Thị Dung.

Có một chi tiết tưởng nhỏ mà không hề nhỏ: trong khi các nghệ sĩ rất nổi tiếng của Nhà hát Tuổi Trẻ vốn chỉ quen diễn ở rạp Tuổi Trẻ nhỏ hẹp, trần thấp thì tất cả nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Kịch VN đều có khả năng diễn không micro cũng như diễn trên sân khấu cao và rộng đủ chuẩn (tương đương Nhà hát lớn Hà Nội) khá tốt. Hi vọng đạo diễn Lê Hùng phát huy được lợi thế này của các nghệ sĩ đã một thời từng là “anh cả đỏ” của sân khấu nước nhà.

Đạo diễn Lê Hùng cũng khẳng định sẽ dàn dựng vở kịch với nhiều trò diễn ấn tượng, thiết kế sân khấu hứa hẹn được đầu tư một cách hoành tráng. NSND - họa sĩ lão thành Doãn Châu, nguyên giám đốc Nhà hát Kịch VN - đã được mời dàn dựng bối cảnh sân khấu cho vở kịch này. Vở kịch dự kiến ra mắt cuối tháng 9-2009.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Giãn tiến độ phim Trần Thủ Độ để tiết kiệm kinh phí Á hậu làm hoàng hậu Á hậu Thiên Lý ngừng tham gia phim Trần Thủ ĐộLý do Dương Trương Thiên Lý rút khỏi phim Trần Thủ ĐộLùm xùm diễn viên phim Trần Thủ Độ: “Phim không bán vé thì cần chi sex?”Khán giả ơi, đừng tuyệt vọng

VIỆT HOÀI - ĐAN HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên