Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price - Ảnh: REUTERS
"Mỹ sẽ chấp nhận lời mời từ Cao ủy Liên minh châu Âu tham gia cuộc họp nhóm P5+1 với Iran để thảo luận về hướng ngoại giao đối với chương trình hạt nhân Iran", Hãng tin Reuters ngày 19-2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18-2 cũng nói rằng Washington đã chuẩn bị để đối thoại với Iran về việc cả hai nước cùng trở lại thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Theo ông Blinken, nếu Iran tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự.
Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này năm 2018. Vào tháng 8-2020, cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố kích hoạt quá trình tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đối với Iran và kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này.
Tuy nhiên, quyền đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Mills ngày 18-2 thông báo rằng Mỹ sẽ rút lại tuyên bố này, cho biết những lệnh trừng phạt được tuyên bố tái áp đặt vào năm ngoái sẽ bị hủy bỏ.
Trong động thái hạ nhiệt căng thẳng khác, Hãng tin AFP đưa tin Mỹ cũng nới lỏng các hạn chế đối với những nhà ngoại giao Iran ở LHQ, trụ sở ở New York, nhằm "gỡ bỏ các rào cản không cần thiết đối với ngoại giao song phương".
Trong tuyên bố phản ứng sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Mỹ phải là nước hành động đầu tiên. "Thay vì ngụy biện và áp đặt Iran, EU phải tuân thủ các cam kết của mình và yêu cầu chấm dứt di sản của Trump về chủ nghĩa khủng bố kinh tế chống lại Iran", ông Zarif viết trên Twitter.
Ngoài ra, ông Amir Abdollahian, trợ lý đặc biệt phụ trách các vấn đề quốc tế của chủ tịch Quốc hội Iran, cũng đưa ra hạn chót 4 ngày cho Mỹ và các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Theo ông Abdollahian, nếu lệnh trừng phạt không được dỡ bỏ thì Iran sẽ ngừng thực hiện nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tehran sẽ không chờ đợi những "lời hứa suông" của Mỹ và 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận