Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris dự tang lễ cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 27-9 - Ảnh: Reuters
Ngày 27-9 (giờ Việt Nam), một quan chức Mỹ ở Nhà Trắng xác nhận Phó tổng thống Harris sẽ thăm khu vực phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm. Đây là một phần trong lịch trình thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của bà Harris từ ngày 26 tới 30-9 và được xem là động thái thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Điểm nóng an ninh
Theo quan chức trên, chuyến thăm của bà Harris tới DMZ nhấn mạnh việc Mỹ sẽ "sát cánh" với Hàn Quốc trước "bất cứ mối đe dọa nào" từ Triều Tiên.
Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc chưa chính thức kết thúc chiến tranh. Bàn Môn Điếm là khu vực được thành lập năm 1953 sau hiệp định đình chiến cùng năm, và hiện đóng vai trò khu vực giới tuyến chia cắt hai nước. Sự có mặt của bà Harris tại đây được phía Triều Tiên "chào đón" bằng một đợt phóng tên lửa đạn đạo sáng 25-9.
Bàn Môn Điếm thực tế vài năm nay đã chứng kiến một số hình ảnh tích cực, đặc biệt là cử chỉ thân thiện giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Harris hiện nay mới chỉ là quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tới khu vực này. Chi tiết này cho thấy đây cũng là dịp để Hàn Quốc có cái nhìn rõ hơn về cam kết của chính quyền ông Biden với câu chuyện an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề trách nhiệm và đóng góp cho sự hiện diện của lính Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều khả năng tiếp tục được thảo luận.
Trong chuyến đi này, các vấn đề an ninh khác cũng được xem sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo lịch, bà Harris sẽ gặp lãnh đạo và quan chức Nhật Bản, Hàn Quốc bên lề sự kiện tang lễ cố thủ tướng Abe Shinzo ở Tokyo (Nhật Bản). Phó tổng thống Mỹ cũng sẽ thảo luận về vấn đề an ninh Đài Loan trong các cuộc gặp này, Reuters cho biết.
"Họ đã thảo luận về các hoạt động của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan gần đây, đồng thời nhấn mạnh lần nữa tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan", Nhà Trắng viết trong thông cáo ngày 26-9.
Ổn định "nội bộ"
Trong thực tế, bà Harris chưa chính thức tuyên bố về việc thăm Bàn Môn Điếm. Thông tin này ban đầu được phóng viên theo đoàn nghe được trong trao đổi giữa Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo và bà Harris tại một cuộc gặp song phương ở Tokyo ngày 26-9, trước khi phía Nhà Trắng xác nhận.
Chi tiết này vô tình phản ánh một số khác biệt, ít nhất về mặt truyền thông giữa Hàn Quốc và Mỹ thời gian gần đây.
Tuần trước, một sự cố đã xảy ra khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị phát hiện âm thầm gọi một số thành viên Quốc hội Mỹ là "lũ ngốc", khi ông di chuyển cùng phái đoàn của mình ở New York. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc Tổng thống Mỹ Biden phải chờ Quốc hội phê duyệt khoản kinh phí 6 tỉ USD tài trợ cho y tế toàn cầu.
Điều này phần nào nói lên tầm quan trọng trong chuyến đi của bà Harris xét tới mục tiêu phải "ổn định nội bộ" trong mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, trước khi có thể bàn về các chính sách thống nhất trong khu vực.
Theo nhận xét của AP ngày 26-9, Nhật Bản và Hàn Quốc kỳ vọng bà Harris làm rõ thông điệp của Mỹ sau khi Tổng thống Biden nói ông sẽ đưa lính tới bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc động binh với hòn đảo này. Kịch bản trên tiềm ẩn nguy cơ xung đột cho toàn bộ khu vực liên quan.
Bên cạnh đó, bản thân hai nước Nhật - Hàn cũng cần tiếp nối các nỗ lực hòa giải để có thể phát huy tối đa hiệu quả của quan hệ hợp tác ba bên cùng Mỹ. Hai đồng minh của Mỹ vẫn chia rẽ vì các vấn đề còn lại từ thời chiến.
Tại cuộc gặp ở trụ sở Liên Hiệp Quốc vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ đẩy nhanh các nỗ lực hàn gắn. Dù vậy theo Korea Herald, ông Yoon đã bị chỉ trích vì cuộc gặp "không cần thiết" với nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Thảo luận về kinh tế
Tại cuộc họp báo ngày 23-9, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Phó tổng thống Harris có kế hoạch gặp gỡ một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ở lĩnh vực chất bán dẫn.
Cuộc gặp này sẽ tập trung vào đạo luật hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu bán dẫn (CHIPS and Science Act). Đây là đạo luật cho phép Chính phủ Mỹ hỗ trợ các công ty sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ, và được xem như một công cụ để thúc đẩy sản xuất bán dẫn nội địa, cạnh tranh với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận khác về kinh tế trong chuyến đi của bà Harris sẽ xoay quanh việc đầu tư và phát triển chuỗi cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận