24/10/2018 10:58 GMT+7

Mỹ muốn rút khỏi INF, nguy cơ 'chiến tranh lạnh'

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Dù Liên Hiệp Quốc và các nước ra sức khuyên can, Nga muốn đối thoại, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn nêu ý định quyết rút lui khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF).

Mỹ muốn rút khỏi INF, nguy cơ chiến tranh lạnh - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ - Ảnh: REUTERS

Ông Trump ngày 22-10 thậm chí cho biết Mỹ sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân cho đến khi các nước khác "tỉnh ngộ" sau khi cuối tuần trước tuyên bố sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận. Tuyên bố làm tăng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Tình hình như trở lại năm 1983. Dường như chiến tranh hạt nhân có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và thực sự là vậy.

Nhà phân tích quân sự độc lập người Nga Pavel Felgenhauer đánh giá khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới

Đừng giỡn với Mỹ

"Nó sẽ là mối đe dọa cho bất cứ ai. Nó bao gồm Trung Quốc, bao gồm Nga và bao gồm bất cứ ai muốn chơi trò đó. Các anh không thể làm vậy. Các anh không thể giỡn với tôi" - tổng thống Mỹ nêu ý kiến gay gắt, chẳng cần úp mở việc Bắc Kinh cũng nằm trong tầm ngắm của việc Washington rút khỏi INF. 

Trước đó, ông Trump khẳng định trong khi Nga và Trung Quốc đều đang phát triển vũ khí hạt nhân thì việc Mỹ phải tuân theo thỏa thuận là "không thể chấp nhận được".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 22-10 đã bác bỏ việc Bắc Kinh là một nguyên nhân khiến Mỹ rút lui và cảnh báo "việc đơn phương rút khỏi hiệp định sẽ gây ra tác động đa phương". 

Nga cũng phủ nhận việc vi phạm INF. Hội đồng an ninh Nga ngày 22-10 cho biết Matxcơva sẵn sàng hợp tác với Washington tháo gỡ các khúc mắc và rằng việc từ bỏ thỏa thuận then chốt này sẽ đặt thế giới vào nguy hiểm. Tuyên bố đưa ra tại cuộc gặp giữa giới chức cấp cao Nga với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. 

Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định nếu INF sụp đổ, Nga sẽ buộc phải có các biện pháp "cân bằng" để đảm bảo an ninh quốc gia, theo Hãng tin Tass.

Sau ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm 2 ngày tới Matxcơva, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ nghiêm túc muốn rút khỏi INF, song sẽ tiến hành tham vấn với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là Nga, trước khi tuyên bố chính thức về quyết định của mình.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng cả Mỹ lẫn Nga đều không cần mở rộng năng lực hạt nhân. "Thay vì làm căng và đe dọa các biện pháp trả đũa, cả Matxcơva và Washington cần các biện pháp ngoại giao và xây dựng niềm tin, cùng nhau thực hiện việc giảm có giám sát, cân bằng và theo giai đoạn số vũ khí của mình" - chuyên gia kiểm soát vũ khí hạt nhân Marianne Hanson của Đại học Queensland (Úc) nhận định.

Những nỗ lực ngăn cản

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 22-10 kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết các bất đồng nhằm duy trì INF. Ông Guterres cũng kêu gọi mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mà một số nguồn tin chính quyền Mỹ cho biết Washington đang muốn đàm phán lại.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới nếu Mỹ rút khỏi INF. "INF góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh và thiết lập trụ cột trong cấu trúc an ninh châu Âu kể từ khi nó có hiệu lực cách đây 30 năm. 

Thế giới không cần một cuộc chạy đua vũ trang nữa chẳng đem lại lợi ích cho ai và ngược lại có thể gây nhiều bất ổn hơn" - người phát ngôn đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU Federica Mogherini nói.

Ủy ban châu Âu kêu gọi Mỹ và Nga tiến hành đàm phán nhằm duy trì hiệp ước này. Lãnh đạo các nước Pháp, Anh, Đức cũng nhấn mạnh vai trò của INF. 

"Chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này trong lịch trình NATO. Chúng tôi chưa sẵn sàng bắt đầu cuộc đua vũ trang mới" - hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói ngày 23-10, cho rằng Washington rút khỏi INF là "sai lầm to lớn".

Một số nhà quan sát cho rằng kế hoạch của Mỹ rút khỏi INF có thể giúp Lầu Năm Góc có nhiều lựa chọn mới nhằm đối phó với sự tiến bộ tên lửa của Trung Quốc dù cuộc chạy đua vũ trang kế tiếp có thể gây gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Một số khác đánh giá động thái này sẽ có lợi cho Nga hơn Mỹ khi Matxcơva hiện đã triển khai tên lửa trên các loại tàu chiến, tàu ngầm hay thậm chí trên các bệ phóng di động.

Trung Quốc cũng cần tham gia INF?

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga Konstantin Kosachev đề xuất "quốc tế hóa" INF với sự tham gia của Trung Quốc và các nước khác. "Chúng tôi đã lên tiếng về việc chỉ trích INF chỉ hạn chế đối với Mỹ và Nga. Hiệp định nên được phổ biến" - Hãng tin Tass dẫn lời ông Kosachev, cho rằng các nước như Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel cũng sở hữu tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Thượng nghị sĩ Nga cho rằng ý tưởng giải quyết vấn đề bằng việc xóa sổ tên lửa chỉ là của Washington nhằm "tạo các điều kiện đặc quyền an ninh cho phương Tây".

"Nếu Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định sẽ chẳng có gì đảm bảo một thỏa thuận mới sẽ được soạn, trong khi Mỹ (và chắc chắn cả Nga) sẽ rảnh tay làm mọi thứ" - ông cảnh báo. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khả năng Trung Quốc tham gia INF là rất thấp bởi Bắc Kinh sẽ phải tiêu hủy đến 90% tên lửa của mình.

Nga thừa nhận có ‘những điểm yếu’ trong hiệp ước INF mà Mỹ đòi rút

TTO - Người phát ngôn của Điện Kremlin thừa nhận có những điểm yếu trong Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) mà chính quyền ông Trump đang tuyên bố đòi rút.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên