Tàu tấn công đổ bộ USS Essex của hải quân Mỹ dẫn đầu đội hình tàu chiến tham gia tập trận RIMPAC 2020 - Ảnh: US NAVY
Phát biểu bên lề Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ - Ấn ngày 31-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang thiếu một cấu trúc đa phương mạnh mẽ như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU).
Nhà ngoại giao cấp cao Mỹ lập luận biến Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thành một thể chế chính thức là một ý tưởng hấp dẫn nhưng cần nhiều điều kiện.
"Đối phó với các mối đe dọa và thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc thôi là chưa đủ để tạo thành động lực" - ông Biegun đặt vấn đề. Thứ trưởng Mỹ lập luận nếu muốn các nước khác tham gia, bản thân QUAD nên biến mình thành hình mẫu của việc chia sẻ giá trị và lợi ích chung.
"Tôi có nghe các cụm từ như NATO Thái Bình Dương nhưng tôi sẽ cẩn thận không định nghĩa đây là một ý tưởng chỉ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tôi cho là chỉ nên khởi đầu với bốn nước, đừng quá tham vọng", nhân vật cấp cao số 2 trong Bộ Ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.
Hồi sinh năm 2017 sau gần một thập niên gián đoạn, nhóm QUAD hay còn được biết đến với tên "Tứ giác kim cương" đã nhóm họp 5 lần và nhấn mạnh việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thứ mà Trung Quốc đang tìm cách phá hoại hoặc đảo lộn.
Một cuộc họp nữa sẽ được tiến hành trong tháng 9 và tháng 10 tới đây, song song với các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ với một số nước trong khu vực.
Trong ngắn hạn, việc đẩy nhanh thể chế hóa QUAD và mở rộng nó không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Theo ông Biegun, dù ý tưởng rất hấp dẫn, điều quan trọng là các nước phải tiến lên phía trước cùng một lúc.
Tuy nhiên, ông Derek Grossman, một nhà phân tích cấp cao thuộc Tổ chức RAND (Mỹ), nhận định bộ tứ công khai chống Trung Quốc chỉ có lợi cho bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh rằng QUAD là một tập hợp kiềm chế nước này và gây bất ổn cho khu vực.
"Nga có thể sẽ cảm thấy cần hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tạo ra áp lực chọn phe ở Đông Nam Á và Nam Á" - ông Grossman đánh giá.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - nhận định Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nhìn Mỹ tập hợp lực lượng bao vây nước này.
"Trung Quốc sẽ tiến hành hai động thái nhắm vào các nước trong khu vực. Thứ nhất, họ sẽ cố gắng thuyết phục các nước rằng sự hiện diện của Mỹ chỉ đem lại bất ổn, và tạo ra niềm tin rằng Mỹ càng ở lâu thì Trung Quốc sẽ phản ứng càng mạnh.
Thứ hai, Bắc Kinh sẽ sử dụng các công cụ trả đũa hoặc đe dọa có chừng mực để cảnh báo các nước không nên đứng cùng phe Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận