Tàu sân bay USS Nimitz (trái) của Mỹ tại eo biển Hormuz ngày 18-11-2020 - Ảnh: AFP
"Chúng ta không thể chỉ dựa vào hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng ta muốn một hạm đội mới và đặt nó ở các giao lộ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương" - Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite nói trên USNI News, trang tin của Viện Hải quân Mỹ ngày 17-11.
Hải quân Mỹ hiện có tổng cộng 7 hạm đội, dàn trải từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và các khu vực Trung Đông. Các hạm đội thường được gọi theo số, chẳng hạn hạm đội 5 đóng tại Bahrain. Các hạm đội thường được tổ chức bao gồm nhiều loại tàu sân bay, tàu ngầm... và hệ thống hậu cần.
"Chúng ta phải hướng đến các đồng minh và đối tác khác như Singapore, Ấn Độ, và thật sự đặt một hạm đội ở một nơi cực kỳ xác đáng", Bộ trưởng Hải quân Mỹ nói về tầm quan trọng của các đồng minh ở châu Á.
Theo ông, nếu hạm đội không đặt thường trú ở Singapore thì sẽ được xây dựng theo hướng hạm đội viễn chinh.
"Chúng ta sẽ đưa hạm đội khắp Thái Bình Dương cho đến khi các đồng minh và đối tác thấy rằng điều đó hỗ trợ tốt nhất cho họ cũng như cho chúng ta", ông Braithwaite giải thích và cho biết hạm đội mới sẽ đem lại cho Mỹ sức mạnh răn đe ghê gớm hơn.
Bộ trưởng Braithwaite cho biết ông dự kiến sẽ đến Ấn Độ trong vài tuần tới để thảo luận về các thách thức an ninh cũng như hợp tác giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite - Ảnh: US NAVY
Theo ông, Mỹ không thể một mình đối đầu với Trung Quốc, nhưng các quốc gia khắp Thái Bình Dương và toàn cầu cần hỗ trợ Washington đẩy lùi Bắc Kinh về quân sự lẫn kinh tế.
Tuyên bố của ông Braithwaite được đánh giá là một trong những kế hoạch quan trọng về chính sách an ninh, đối ngoại trong khoản thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Nó cũng được đưa ra trong lúc Hải quân Mỹ đang tham gia cuộc diễn tập Malabar ở vùng biển Ả Rập cùng với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Giới phân tích đánh giá kế hoạch hạm đội Đệ nhất là một thông điệp gửi đến Trung Quốc. "Mỹ gửi thông điệp chung đến các đồng minh rằng họ sẽ ở lại và không nói suông mà sẽ hành động", chuyên gia Aparna Pande của Viện Hudson ở Washington nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận