14/12/2022 08:56 GMT+7

Mỹ muốn giành 'trái tim' châu Phi?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn thay đổi một định kiến lâu nay vẫn cho rằng Washington hiếm khi đồng cảm với những mối quan tâm chính đáng của châu Phi.

Mỹ muốn giành trái tim châu Phi? - Ảnh 1.

Tổng thống Namibia Hage Geingob đến Mỹ ngày 11-12 - Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Và ông Biden sẽ có dịp thực hiện mong muốn ấy khi đón 49 lãnh đạo châu Phi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Các lãnh đạo châu Phi năm nay, tổ chức tại Washington từ ngày 13 tới 15-12.

Khi chúng tôi nói, chúng tôi thường không được lắng nghe, hoặc không được quan tâm đúng mức. Đây là điều chúng tôi muốn thay đổi. Và đừng ai nói rằng chúng tôi không nên làm việc với bên này, bên kia hay chỉ làm việc với họ... Chúng tôi muốn hợp tác và giao thương với mọi bên.

Tổng thống Senegal Macky Sall (chủ tịch AU)

Cam kết mang tính biểu tượng

Năm nay Mỹ đã mời gần như tất cả các lãnh đạo châu Phi, trừ Eritrea, Mali, Sudan, Guinea, Burkina Faso, Somaliland và Tây Sahara. 

Trong thông báo chính thức ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hội nghị này sẽ chứng minh cam kết lâu dài của Mỹ với châu Phi, và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ với châu lục này, cũng như tăng cường hợp tác về những ưu tiên chung trên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên hội nghị diễn ra sau tám năm kể từ thời cựu tổng thống Barack Obama.

Về chiến lược, đây là một khoảng trống trong chính sách đối ngoại của Mỹ xét về tiềm năng châu Phi đang có. 

Theo Viện Brookings, châu Phi đang có dân số tăng trưởng nhanh chóng, là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, có tài nguyên phong phú, và cả một số lượng phiếu lớn ở Liên Hiệp Quốc. 

Vì thế truyền thông Mỹ nhấn mạnh mục tiêu cạnh tranh địa chính trị của Mỹ tại châu lục này trong bối cảnh Washington bị cho là đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Về kinh tế, Trung Quốc từ lâu được xem là nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở châu Phi. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng trưởng liên tục và đạt mốc kỷ lục năm ngoái với 261 tỉ USD. Ngược lại, thương mại của Mỹ và lục địa đen xuống mức 64 tỉ USD, tức chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 1,1% tổng thương mại của Mỹ trên toàn cầu, theo báo New York Times.

Về địa chính trị, vị thế của châu Phi được thể hiện qua cuộc chiến của Nga tại Ukraine. 

"Với 54 phiếu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và 3 ghế (không thường trực) trong Hội đồng Bảo an, tầm quan trọng của châu Phi với chính trị quốc tế đã được thể hiện rõ ràng trong hàng loạt cuộc bỏ phiếu Liên Hiệp Quốc. Hiện nay, Nga đang tích cực tìm kiếm bạn bè tại châu lục này, và tất nhiên Trung Quốc lâu nay đã mở rộng quan hệ với các nước châu Phi", GS Rita Abrahamsen, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế (CIPS, ĐH Ottawa, Canada), nhận định với Tuổi Trẻ.

GS Abrahamsen cho rằng về mặt biểu tượng, hội nghị năm nay có nhiều động lực và mục tiêu, đặc biệt là cuộc chiến giành "trái tim" của châu Phi, và sự công nhận châu Phi quan trọng đối với tương lai của chính trị toàn cầu về khía cạnh kinh tế, chính trị và chiến lược.

"Tôi cho rằng chúng ta có thể thấy rõ bất kể chính quyền Biden có thể hiện mong muốn làm mới mối quan tâm của họ với châu Phi, lục địa này vẫn xếp khá thấp trong các ưu tiên chính sách đối ngoại tổng thể của Mỹ", GS Abrahamsen, chuyên gia về chính trị châu Phi, nhận xét.

Thay đổi cách tiếp cận

Trước sự kiện, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden thể hiện mong muốn nâng cao vai trò của châu Phi trên trường quốc tế. Các vấn đề cụ thể được bàn bạc tại hội nghị ở Washington bao gồm việc đưa Liên minh châu Phi (AU) vào làm thành viên thường trực của nhóm G20, thúc đẩy vai trò của châu Phi trong các tổ chức quốc tế, từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho tới Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng vẫn cần có những điều chỉnh từ phía Mỹ để giúp nước này thực sự giành lấy "trái tim" châu Phi.

Thứ nhất, Mỹ có thể điều chỉnh cách tiếp cận trong hợp tác với châu Phi. Những chiến lược đầu tư dài hạn như giáo dục, y tế... đôi khi không hữu hình theo dạng "cơ sở hạ tầng Trung Quốc", "vũ khí Nga", hoặc "máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ", như New York Times liệt kê. Mỹ cũng bị chỉ trích vì nhìn nhận châu Phi theo hướng "vấn đề" thay vì "thời cơ".

Thứ hai, cuộc gặp quy mô lớn lần này cũng được kỳ vọng sẽ mang tới những kết quả cụ thể hơn là thành tựu mang tính biểu tượng. Lo ngại về một cuộc gặp biểu tượng càng có lý khi một quan chức cấp cao Mỹ, trong trao đổi với phóng viên qua điện thoại trước hội nghị đã nói "chúng tôi không có bất kỳ cuộc gặp song phương nào để nhận xét trước vào thời điểm này".

Theo Bloomberg, một trong những mục tiêu cụ thể được ưu tiên nhất ở thượng đỉnh năm nay là tương lai về việc châu Phi có thể tiếp cận thị trường Mỹ. Dư luận tập trung vào Đạo luật cơ hội và phát triển cho châu Phi (AGOA), sáng kiến từ thời cựu tổng thống Bill Clinton nhằm giảm rào cản thương mại cho châu Phi nhưng sắp hết hạn vào năm 2025.

Một đêm, Ý cứu hơn 1.150 người di cư từ châu Phi Một đêm, Ý cứu hơn 1.150 người di cư từ châu Phi

TTO - Ngày 26-10, lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cho biết trong đêm, họ đã giải cứu hơn 1.150 người di cư trên 2 tàu cá trên biển Địa Trung Hải và vớt được 2 thi thể người di cư.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên