Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong phiên họp Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ ngày 6-10 tại Peru - Ảnh: REUTERS
Đảng Dân chủ đang đối mặt với không ít thách thức từ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội vào tháng 11 tới. Mục tiêu của họ là duy trì kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện và đó cũng là điều Tổng thống Biden mong muốn để tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, tính toán của phe Dân chủ có nguy cơ trật đường ray khi hôm 5-10 nhóm OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô để đẩy giá lên cao. OPEC+ bao gồm các nước OPEC và đối tác, trong đó có Nga.
Thất vọng với kế hoạch của nhóm OPEC+, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ xem xét mọi biện pháp khả dĩ để kiềm chế giá dầu thế giới tăng trở lại, nhiều khả năng vượt mốc 100 USD/thùng.
"Có rất nhiều lựa chọn thay thế nhưng chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định", nhà lãnh đạo Mỹ trả lời khi được hỏi tại Nhà Trắng ngày 6-10 (giờ Mỹ).
Ông Biden cũng tuyên bố bản thân không hối tiếc vì đã tới Saudi Arabia, nước có ảnh hưởng lớn trong OPEC+, và cho biết chuyến đi là vì mục đích chính trị, không phải dầu mỏ.
Tuy nhiên các chỉ dấu từ Mỹ cho thấy quan hệ Washington - Riyadh đang bị đặt trước thách thức mới. Các chính trị gia Mỹ dường như đang có xu hướng quy tất cả trách nhiệm cho Saudi Arabia trong vấn đề OPEC+ giảm sản lượng.
Các đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi cắt giảm việc bán khí tài quân sự cho Saudi Arabia, đồng thời đặt câu hỏi về quan hệ an ninh với quốc gia giàu dầu mỏ này.
"Về mối quan hệ với Riyadh trong tương lai, chúng tôi đang xem xét một số phương án ứng phó. Chúng tôi đang tham vấn chặt chẽ với Quốc hội", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết tại một cuộc họp báo ở Lima (Peru) cùng với người đồng cấp Peru ngày 6-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận