02/09/2012 08:41 GMT+7

Mỹ mở rộng đối tác an ninh với Thái Bình Dương

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Ngoại trưởng Hillary Clinton tái khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện một cách tích cực tại Thái Bình Dương về lâu dài bằng việc mở rộng đối tác an ninh ở đây, qua việc tăng cường quan hệ với các đảo quốc trong khu vực.

E83ViKr8.jpgPhóng to

Ngoại trưởng Hillary Clinton sửa chuỗi ngọc trai đen - quà tặng của Thủ tướng quần đảo Cook Henry Puna (trái) ngày 31-8-2012 - Ảnh: Reuters

Tại Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) được tổ chức ở quần đảo Cook ngày 31-8, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhấn mạnh các nỗ lực của cường quốc số 1 thế giới là nhằm đưa ra thông điệp mạnh mẽ này cho người dân ở Thái Bình Dương và rộng hơn thế nữa. Và “tôi quan tâm tới điều này rất nghiêm túc” - bà Clinton nhấn mạnh.

“Tôi đã nói thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ, tôi nhấn mạnh cụm từ Thái Bình Dương” - bà Clinton tuyên bố. Việc bà có mặt ở đây là sự kiện đặc biệt tại hòn đảo có 10.000 dân, khiến giới chức nơi đây phải thuê cả nhà và xe cộ của dân để phục vụ hội nghị. Phóng viên quốc tế đến đảo quốc này đưa tin được trấn an là trộm cắp trên đảo rất ít nhưng họ phải cẩn thận kẻo dừa rơi vào đầu.

Sự trở lại thực tiễn

“Thái Bình Dương, một phần của châu Á - Thái Bình Dương, không phải lúc nào cũng nhận được sự chú ý như đáng lẽ nó phải có, nhưng Mỹ biết khu vực này có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế và sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn” - bà Clinton nhấn mạnh.

Các nhà bình luận nhận định sự có mặt của bà Clinton tại đảo quốc tự trị nhỏ bé mà nền ngoại giao và quốc phòng vẫn do New Zealand hỗ trợ là cách Mỹ đang từng bước hiện thực hóa chính sách “trở lại châu Á - Thái Bình Dương” của mình.

Business Week dẫn lời Ernie Bower - giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - nhận định chuyến thăm của bà Clinton lần thứ ba đến châu Á kể từ tháng 5-2012 là một phần nỗ lực nhằm “thể chế hóa” sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này, và một trong những động cơ sau đó là “kiềm chế Trung Quốc tốt hơn”.

Việc thực thi chính sách “tái cân bằng châu Á” mà chính quyền Mỹ đề ra đã đưa bà Clinton trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến dự cuộc gặp hằng năm của lãnh đạo 16 nước Thái Bình Dương, gồm Úc, New Zealand và các đảo quốc nhỏ hơn.

Mở rộng hợp tác an ninh với các đảo quốc

Sau quần đảo Cook, trong chuyến thăm châu Á 11 ngày, bà Clinton sẽ tiếp tục đến Indonesia, Trung Quốc, Đông Timor, Brunei và sau cùng là Vladivostok của Nga để tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 8 và 9-9.

Đi cùng bà Clinton lần này là đô đốc Sam Locklear, chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương.

Phát biểu tại PIF, bà Clinton nhấn mạnh tất cả các nước đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Thái Bình Dương. Washington đóng vai trò quan trọng trong khu vực này với bằng chứng là lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ đã có quan hệ đối tác chính thức với chín đảo quốc ở Thái Bình Dương và đang nỗ lực để thiết lập thêm các mối quan hệ đó.

Bà Clinton khẳng định Mỹ luôn hiểu rõ “vị thế quan trọng cả về mặt kinh tế và chiến lược của khu vực” và “vị thế đó sẽ ngày càng được phát huy”. Vì vậy, Mỹ đang tìm cách đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế sâu rộng ở Thái Bình Dương thông qua việc thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Washington cũng cam kết hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động vận tải bất hợp pháp và các loại hình tội phạm khác được thực hiện bằng đường biển như buôn bán người. Mỹ sẵn sàng làm việc với tất cả các bên có chung lợi ích ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Anh và Canada.

Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, mới nối lại chương trình viện trợ chính ở Nam Thái Bình Dương vốn đã chấm dứt vào năm 1994. Lần này, bà Clinton công bố các dự án viện trợ mới với tổng giá trị khoảng 32 triệu USD cho các đảo quốc Thái Bình Dương. Mỗi năm, trung bình Mỹ chi 330 triệu USD nhằm hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương, trong khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Mỹ đã hỗ trợ 3 tỉ USD nhằm thúc đẩy các hoạt động tài chính, thương mại, đầu tư trong khu vực và giúp hỗ trợ thương mại giữa Mỹ với Tonga, Tuvalu, Fiji và Micronesia.

Trong khi đó, Trung Quốc đã có mặt ở các đảo quốc Thái Bình Dương. Derek Scissors, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Quỹ Heritage ở Washington, cho biết tổng đầu tư của Trung Quốc ở các quần đảo Thái Bình Dương là 257 triệu USD năm 2010. Các khoản đầu tư chủ yếu là xây dựng những công trình công cộng lớn.

Tân Hoa xã bình luận chuyến đi của bà Clinton có mục tiêu “kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, mấu chốt của chiến lược này là bảo vệ sự thống trị và bá quyền của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Còn tại diễn đàn, cả lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đều có những phát biểu nội dung tương đồng, trong đó khẳng định không tranh giành ảnh hưởng với bất kỳ thế lực nào.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên