Người biểu tình mô tả biện pháp tra tấn kiểu trấn nước của CIA - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xem xét kỹ lại dự thảo sắc lệnh liên quan việc mở lại các nhà tù bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở nước ngoài.
Phía Mỹ từng áp dụng các kỹ thuật thẩm vấn bị lên án là tra tấn ở những nơi này để khai thác thông tin từ tù nhân.
Báo New York Times ngày 4-2 dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Nhà Trắng đang cho lưu hành một phiên bản sửa đổi của bản dự thảo trong đó không có ngôn từ nào nêu lên dự tính mở lại các nhà tù ở nước ngoài.
Tuy nhiên bản dự thảo sửa đổi vẫn giữ một số phần của dự thảo trước đó, bao gồm việc mở rộng trung tâm giam giữ của quân đội Mỹ ở vịnh Guantanamo, Cuba.
Một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ khẳng định bản dự thảo ban đầu liên quan nhà tù bí mật đã không còn được xem xét.
"Đó là một dự thảo ở giai đoạn chuyển giao quyền lực nên chưa được chính quyền chính thức xem xét nghiêm túc", vị quan chức trên giải thích. "Chúng tôi đã bỏ bản dự thảo của giai đoạn chuyển tiếp đó".
Các chương trình thẩm vấn khai thác thông tin của CIA từng sử dụng cái gọi là "các biện pháp thẩm vấn nâng cao", bao gồm cả kiểu trấn nước, về chính thức mà nói đã bị cấm vì bị chỉ trích khắp thế giới.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức cao cấp khác của Mỹ cũng đã tố cáo các biện pháp nâng cao trên là kiểu tra tấn.
Theo Reuters, hiện tại các quan chức gần gũi với các cuộc thảo luận của chính quyền cho biết chưa rõ khi nào bản dự thảo sắc lệnh mới được phê chuẩn và họ cũng tiết lộ rằng có những quan điểm trái ngược trong chính quyền về cách thực thi sắc lệnh.
Tuy nhiên, cả giám đốc CIA Mike Pompeo lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đều chưa được tham khảo bản dự thảo sắc lệnh trước khi nó bị rò rỉ trên truyền thông từ ngày 25-1 vừa qua, theo các quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters.
Tin tức về bản dự thảo sắc lệnh khi bị rò rỉ trên truyền thông đã dẫn đến sự phản đối của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ.
Thậm chí theo các quan chức Mỹ thuộc cả hai đảng thì bản dự thảo cũng bị phản ứng mạnh từ phía CIA lẫn quân đội.
Các nhà tù bí mật của Mỹ đã được sử dụng dưới thời Tổng thống George W. Bush để giam giữ các nghi phạm khủng bố sau vụ khủng bố 11-9-2001, và sau đó bị chính thức đóng cửa dưới thời Tổng thống Obama.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã chọn bà Gina Haspel, một nhân viên CIA kỳ cựu, làm phó giám đốc của cơ quan này.
Quyết định đó đã gây nên những đồn đoán vì bà Haspel là người điều hành một "nhà tù bí mật" trước đây, theo Reuters là tại Thái Lan.
Bà Gina Haspel dự kiến là nữ tướng đầu tiên nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai ở CIA, sau giám đốc Mike Pompeo. Việc lựa chọn bà Haspel nhận được sự ủng hộ của nội bộ CIA và nhiều chuyên gia tình báo lâu năm của Mỹ.
Theo Reuters, trong nhà tù do bà Haspel điều hành từng có hai nghi phạm al-Qaeda bị tra tấn trấn nước. Bà bị cho là đã giúp hủy các đoạn băng ghi lại cảnh tra tấn dã man này.
Việc đề cử bà Haspel, cùng với khả năng ông Trump tìm cách mở cửa trở lại các nhà tù đen và cho phép tra tấn nước, có thể gây tranh cãi, bất chấp việc giám đốc CIA Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phủ nhận "các kỹ thuật thẩm vấn nâng cao" này.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump từng tỏ ý thuận tình với các biện pháp mạnh tay để khai thác thông tin từ các nghi phạm.
Trong khi Nhà nước Hồi giáo làm những điều chưa ai từng làm từ thời Trung cổ thì làm sao tôi có thể chống lại biện pháp trấn nước? Phải dùng biện pháp trả đũa mạnh mẽ" |
Tổng thống Donald Trump nói về khả năng sử dụng thẩm vấn mạnh tay |
Trong lần trả lời phỏng vấn với đài ABC của Mỹ vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump cho biết đã giao cho hai ông Pompep và Mattis cùng đội ngũ xem xét khả năng thẩm vấn nâng cao.
"Nếu họ không muốn, tôi cũng đồng ý. Nếu họ muốn thì tôi sẽ xem xét việc đó. Tôi muốn làm tất cả những gì có thể nằm trong giới hạn hợp pháp", ông Trump giải thích khi đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận