Một tên lửa đánh chặn của THAAD được phóng lên trong một cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa của Mỹ - Ảnh: Reuters |
Mặc dù đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước nhưng việc thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giao đoạn cuối (THAAD) của Mỹ sẽ mang ý nghĩ quan trọng khi Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngay ngày quốc khánh Mỹ 4-7.
Đây sẽ là cuộc thử nghiệm đầu tiên của THAAD để chống lại một cuộc tấn công mô phỏng bằng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). Một trong các quan chức cho biết các tên lửa đánh chặn của THAAD sẽ được phóng từ Alaska (Mỹ).
Cơ quan Phòng vệ Tên lửa (MDA) xác rằng rằng Mỹ sẽ thử nghiệm THAAD vào "đầu tháng 7". Người phát ngôn MDA, ông Chris Johnson cho biết hệ thống của THAAD tại khu Liên hợp Hàng không Thái Bình Dương Alaska ở Kodiak, Alaska sẽ "phát hiện, theo dấu và tham gia đánh chặn mục tiêu với các tên lửa đánh chặn của THAAD".
"Thử nghiệm này được gọi là thử nghiệm chuyến bay THAAD (FTT)-18" - ông Johnson nói thêm.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã đưa cho Trung Quốc một bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về các biện pháp trừng phạt mới có thể được áp đặt lên Triều Tiên sau vụ phóng ICBM ngày 4-7.
Theo truyền thống, Mỹ và Trung Quốc thương lượng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên trước khi trình bày với những thành viên khác trong hội đồng.
Các nhà ngoại giao cho biết Mỹ sẽ làm việc với Anh và Pháp trong khi Trung Quốc có thể nói chuyện với Nga về các biện pháp trừng phạt mới trước khi trình hội đồng thông qua.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết bà sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt mới với hội đồng gồm 15 thành viên này trong những ngày tới dù Nga cho rằng các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ không giải quyết được vấn đề.
Một nhà ngoại giao cấp cao của hội đồng cũng tỏ ra hoài nghị về việc dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sẽ được bỏ phiếu thông qua nhanh chóng. "Tôi chắc chắn sẽ mất hàng tuần chứ không phải một tuần nhưng tôi cũng chắc là nó không quá 3 tháng" - nhà ngoại giao nói trong điều kiện giấu tên.
Mặt khác, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7-7 cho biết sẽ không có nhiều lựa chọn tốt cho Triều tiên nếu chiến dịch gây áp lực một cách hòa bình của Mỹ đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thất bại.
Tuy nhiên ông Tillerson cũng nói rằng cách tiếp cận của Mỹ trong việc tăng cường cấm vận Triều Tiên cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn.
"Tôi gọi đó là chiến dịch gây áp lực ôn hòa. Đây là chiến dịch để hướng chúng tôi đến việc giải quyết vấn đề trong hòa bình vì nếu thất bại chúng tôi sẽ không có nhiều lựa chọn tốt" - ông Tillerson nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận