TTCT - Tin tức về việc Tổng thống Bolivia Evo Morales từ chức vì bê bối gian lận bầu cử là đỉnh điểm của cả một làn sóng phẫn nộ từ dân chúng tại Mỹ Latin trong khoảng một tháng nay. Với hơn 425 triệu người, các nước Nam Mỹ có nền kinh tế vào loại trung bình khá của thế giới, là nơi sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới về thịt bò và đậu nành (Brazil), dầu khí (Venezuela), cà phê (Colombia), rượu vang (Argentina và Chile), đồng (Chile và Peru) và khí đốt (Bolivia).Nhưng đó cũng là vùng đất từ lâu nổi tiếng vì các bất ổn chính trị do bất công xã hội và xung đột không ngừng nghỉ giữa các giai tầng xã hội.Biểu tình tại Venezuela (Ảnh: Wiki)Cả châu lục xuống đườngNgoài Venezuela, nơi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đã dằng dai một thời gian dài, khu vực gần đây lại chìm trong bất ổn.Ở Paraguay, những cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Mario Abdo nổ ra vì một thỏa thuận với Brazil về Nhà máy thủy điện Itaipu bị cho là xâm hại lợi ích quốc gia. Phe đối lập đã khởi động một quá trình luận tội Abdo và phó tổng thống của ông, 7 năm sau khi cựu tổng thống Fernand Lugo từng bị luận tội vào năm 2012 vì những vụ tranh chấp đất đai dẫn tới nổ súng làm 17 người thiệt mạng.Ở Peru, Tổng thống Martin Vizcarra đã giải tán Quốc hội để tổ chức tuyển cử sớm, nhưng động thái này dẫn tới biểu tình lớn trên cả nước, bao gồm một cuộc tuần hành phong tỏa khu mỏ đồng lớn nhất nước. Vizcarra là phó tổng thống Peru tới năm 2018, khi cựu tổng thống Pedro Pablo Kuczynski từ chức vì bị cáo buộc liên quan tới bê bối nhận hối lộ của Công ty xây dựng Brazil Odebrecht. Một cựu tổng thống Peru khác, Alan García, tự sát vào tháng 4 vừa rồi khi cảnh sát tới nhà bắt giữ ông cũng vì vụ Odebrecht.Biểu tình ở Plaza Baquedano, trung tâm Santiago, Chile (ảnh:Carlos Figueroa, commons.wikimedia.org)Chile thì đã rung chuyển bởi hơn một tháng biểu tình chống lại tình trạng đặc quyền của giới chính trị đầu sỏ và bất bình đẳng kinh tế. Hơn 20 người thiệt mạng khi các cuộc biểu tình bùng phát thành bạo động, ít nhất 5 trong số đó chết dưới tay lực lượng nhà nước. Hàng trăm người khác bị mù vì trúng đạn của cảnh sát chống bạo động và hàng nghìn người bị bắt giữ. Biểu tình xuất phát từ một quyết định tăng giá vé phương tiện công cộng của chính quyền, rồi nhanh chóng biến thành diễn đàn toàn quốc đòi hỏi những thay đổi triệt để với mô hình kinh tế và chính trị vốn do nhà độc tài August Pinochet thiết lập từ mấy chục năm trước.Cuối tuần qua, Quốc hội Chile đã nhượng bộ, quyết định sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào năm tới để thay thế hiến pháp hiện tại, nhưng những người biểu tình hiện còn đòi Tổng thống Sebastián Piñera phải từ chức, điều ông chưa chấp nhận.Ở Bolivia, phe đối lập không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 10 với thắng lợi cho ông Morales. Đã làm tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2006, ông Morales chấp nhận để Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) kiểm toán lại kết quả bầu cử.Các kiểm toán viên OAS sau đó công bố cuộc bầu cử tháng 10 không có giá trị vì “những sai phạm nghiêm trọng”. Ông Morales bèn từ chức và lưu vong ở Mexico “vì tôi muốn làm điều tốt đẹp cho đất nước”.Một người biểu tình ở Santiago, Chile. Ảnh: APSự giàu có không được chia sẻTất cả những biến cố này diễn ra trong một bối cảnh chung: hậu kỳ đau đớn của một đợt bùng nổ giá cả hàng hóa thương phẩm xuất khẩu tại các quốc gia nói trên. Giá nhiên liệu, khoáng sản và nông sản tăng trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 đã giúp hàng triệu người thoát đói nghèo ở các nền kinh tế giàu tài nguyên này.Thu nhập tăng đồng nghĩa kỳ vọng tăng theo. Nhưng những kỳ vọng đã không được đáp ứng: lợi ích kinh tế của đợt bùng nổ chỉ được chia cho một số ít người trong xã hội và bất chấp chính quyền là tả hay hữu, quần chúng nói chung, và một giai cấp trung lưu chỉ vừa hình thành nói riêng, thấy mình cứ ngày càng tuột sâu trên thang bậc kinh tế - xã hội.Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại và các nhà nước quyết định siết chặt chi tiêu, áp lực dồn trước hết lên người nghèo và giới trung lưu, trong khi đẳng cấp tinh hoa về cơ bản không chịu tác động gì.Ở Chile chẳng hạn, giá vé tàu điện chỉ tăng 30 peso, tương đương 0,04 đôla một vé, nhưng vấn đề ở chỗ toàn bộ mức tăng đó sẽ do người nghèo gánh chịu vì người giàu về cơ bản không đi tàu điện.Đáng nói hơn, chính sách được ban hành từ một tổng thống cánh hữu, ông Piñera đồng thời là một tỉ phú. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2017 cho thấy 1% những người giàu nhất ở Chile thâu tóm 33% tổng tài sản toàn quốc, khiến đây là quốc gia bất bình đẳng nhất trong khối OECD.Julio Pinto, giáo sư Đại học Santiago chuyên nghiên cứu các phong trào xã hội, nói với Vox rằng những thành quả tăng trưởng của Chile ba thập kỷ qua (nhờ giá đồng tăng mạnh) đã được phân chia không đồng đều. “Hình ảnh về Chile được phóng chiếu ra quốc tế là một quốc gia tăng trưởng, phát triển, theo nhiều nghĩa là giàu có - Pinto nói - Nhưng hình ảnh đó dựa trên một nền tảng rất mong manh”.Thêm vào đó, các định chế xã hội còn yếu ớt, sự bất bình đẳng mang tính cấu trúc, tình trạng phân hóa chính trị và nạn tham nhũng, ta có công thức đầy đủ cho bất ổn. “Hàng triệu người Mỹ Latin đã gia nhập tầng lớp trung lưu hai thập kỷ qua đang phải gánh vác những hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng - Moisés Naím, cựu giám đốc cấp cao ở Ngân hàng Thế giới, bình luận với The Washington Post - Sự khác biệt là hiện giờ tầng lớp trung lưu đã lớn hơn, tích cực hơn, có thông tin tốt hơn, có giáo dục hơn và kết nối sâu sắc nhờ mạng xã hội, đồng nghĩa họ có nhiều năng lực phản kháng hơn hẳn”.Giới phân tích cũng nói tới “nhân tố truyền cảm hứng” khi các quốc gia láng giềng Nam Mỹ không chỉ theo dõi tình hình của nhau, mà giờ họ còn biết những gì diễn ra ở đầu bên kia của thế giới nữa, như ở Hong Kong chẳng hạn. Tình trạng bất ổn hiện tại, do đó, khác xa với các cuộc đảo chính quân sự hay đấu đá phe phái từng lan tràn ở vùng này thời chiến tranh lạnh.Nhưng không phải vì thế mà nỗi lo về bất ổn và những hậu quả của nó giảm bớt. “Ta không thể chắc chắn là các nước này sẽ không trở lại với chủ nghĩa dân túy, vì người dân đang cực kỳ giận dữ và họ không tin tưởng bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì - Patricio Navia, nhà khoa học chính trị ở Đại học Diego Portales, Santiago, Chile, bình luận - Đất nước có thể thiên tả, như Venezuela, hay thiên hữu, như Brazil. Nhưng sự bất mãn trong dân chúng không chừa một ai”.The Washington Post kể câu chuyện điển hình của Sebastián Candia, luật sư 26 tuổi người Chile. “Chile là căn nhà mái bằng đẹp đẽ trong khu ổ chuột Mỹ Latin - Candia ví von - Nhưng nhìn vào trong thì căn nhà đó cũng tan hoang chẳng kém”. Anh là sản phẩm của “đất nước Chile mới”, với rất nhiều người thoát đói nghèo và theo thống kê là quốc gia giàu có nhất ở Nam Mỹ qua những chính sách thị trường tự do: là con trai một thợ mộc, Candia trở thành người đầu tiên trong dòng họ học đại học. Nhưng sau khi tốt nghiệp năm 2018 với bằng luật từ một trường hàng đầu trong nước, anh không tìm được việc làm và phải gánh khoản nợ 19.000 đôla. Trong khi đó, gia đình anh chìm nghỉm vì chi phí sinh hoạt tăng ở Chile, nơi mà với thị trường tự do, đã không còn hoặc tăng giá nhiều khoản trợ cấp chính phủ (trong khi các nước khác trong vùng vẫn có). Gia đình Candia phải sống trong cảnh thiếu điện và khí đốt hơn một tháng trời mỗi năm vì không có tiền trả.Với Candia, xuống đường là chuyện đương nhiên. “Tôi cảm thấy bị lừa gạt - anh nói - Còn chúng tôi muốn gì ư? Một xã hội mới, nơi mà chúng tôi có thể thật sự tham gia những tiến bộ của đất nước”.■May mắn là cho tới giờ hai nước lớn nhất ở Nam Mỹ, Brazil và Argentina, chưa phải trải qua bất ổn tương tự, dù cả hai vừa tổ chức bầu cử trong một bối cảnh chính trị phân cực sâu sắc. Tháng 10-2018, Brazil bầu cựu đại úy quân đội cánh hữu Jair Bolsonaro lên làm tổng thống. Ông đánh bại một ứng viên cánh tả, thất bại đầu tiên của Đảng Công nhân Brazil kể từ năm 1998. Ở Argentina, ông Alberto Fernandez thắng cử, đưa đảng cánh tả của cựu tổng thống Cristina Kirchner (lần này làm phó tổng thống) trở lại cầm quyền. Dù thất cử, cựu tổng thống cánh hữu Mauricio Macri vẫn giành được 41,7% số phiếu phổ thông, tạo thành một phe đối lập đủ mạnh trong Quốc hội.Không phải “Mùa xuân Ả Rập”Bất ổn ở Nam Mỹ đã được so sánh với “Mùa xuân Ả Rập”, làn sóng biểu tình từng lật đổ nhiều chính quyền ở Bắc Phi và Trung Đông giai đoạn 2010-2011. Khi đó các nước Ai Cập, Tunisia và Libya đã có chính quyền mới, trong khi nội chiến bùng phát ở Syria và Yemen.Dù có những điểm tương đồng - xuất phát từ các vấn đề chính sách nhỏ và bùng lên thành biến động lớn, biểu tình toàn quốc, các nước Nam Mỹ chủ yếu là đã dân chủ hóa, dù trên nền tảng còn mong manh. Trong khi người dân Ả Rập hầu như đều nổi lên để lật đổ các chế độ độc tài, nguyên do của bất ổn tại các nước Nam Mỹ rất khác nhau, tùy theo nước. Tags: Tham nhũngBiểu tìnhBất ổnMỹ LatinĐộc tàiPhân hóa giàu nghèo
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.