Khu trục hạm HMCS Calgary của Canada từng thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông năm 2018 - Ảnh: REUTERS
Các nước kêu gọi ASEAN và Trung Quốc nỗ lực sớm hoàn tất xây dựng COC hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, được cộng đồng quốc tế công nhận.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tường thuật cuộc họp EAS, trong đó Hàn Quốc và New Zealand là đối tác EAS.
Giới quan sát cho rằng việc Canada mới đây chấm dứt đàm phán hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc phản ánh thực tế mối quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng cực điểm.
Chỉ dấu từ Canada
Không chỉ khác biệt về vấn đề giao thương, hai bên cũng lục đục từ chuyện sử dụng mạng 5G của Huawei, việc Canada bắt nữ giám đốc Mạnh Vãn Chu của công ty này, hay tình hình nhân quyền ở Tân Cương cũng như chính sách của Bắc Kinh ở Hong Kong.
Đáng chú ý, câu chuyện Biển Đông cũng đã thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Canada. Khả năng Ottawa tham gia sâu rộng hơn vào điểm nóng Biển Đông cũng bắt nguồn từ các diễn biến gần đây liên quan tới thái độ ngày càng rõ ràng của phương Tây và các đồng minh của Mỹ nói riêng.
Gần đây đã xuất hiện nhiều bài viết hơn về chuyện Mỹ "nên công nhận tuyên bố chủ quyền của Canada ở khu vực Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage)" ở Bắc Cực. Bài viết trên Maritime Executive lập luận rằng các tàu phá băng của Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực này, và đây có thể biến thành một sân đấu cạnh tranh chiến lược mới.
Trang thông tin này cảnh báo căng thẳng bằng việc lấy hành động Trung Quốc ngang nhiên phớt lờ cam kết để quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) làm gợi ý, qua đó thúc giục Mỹ phải hành động nhanh trong việc công nhận chủ quyền của Canada ở Hành lang Tây Bắc.
Xem ra Canada có thêm một lý do nữa để tham gia sâu hơn vào Biển Đông và thúc đẩy thượng tôn luật pháp quốc tế trên biển.
New Zealand quan tâm Biển Đông
Hiện nay Mỹ đang kiềm chế Trung Quốc bằng hàng loạt sáng kiến và nhóm liên minh nhỏ, mà nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes, gồm Mỹ, Canada, New Zealand, Úc, và Anh) chỉ là một trong số đó. Một công thức dựa trên nền tảng “tứ giác kim cương (QUAD)” mang tên “QUAD Plus” cũng bắt đầu được đề cập nhiều hơn, bất kể chưa ai trong số này lên tiếng chính thức.
QUAD Plus là tên xuất hiện trên báo chí Ấn Độ, đề cập tới bốn nước QUAD gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc cùng các nước Hàn Quốc, New Zealand... Ngoài Ấn Độ lâu nay giữ cách tiếp cận cân bằng với Trung Quốc về Biển Đông, các nước như Hàn Quốc hay New Zealand cũng không thể hiện quan điểm “chọn phe”.
Tuy nhiên, cả hai nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Đây là nội dung đồng thuận của các bộ trưởng dự họp Hội nghị bộ trưởng ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53).
Lập trường của các nước EAS không phải mới, nhưng việc duy trì quan điểm thượng tôn pháp luật và nhu cầu về một COC mang tính ràng buộc pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông trì trệ.
Chuyên gia Roberto Rabel của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược (ĐH Victoria Weillington, New Zealand) cho rằng New Zealand có cách tiếp cận thận trọng về Biển Đông và chỉ nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, học giả về Biển Đông này khẳng định New Zealand vẫn có lợi ích từ một COC ràng buộc pháp lý lâu dài, vì nó tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt hơn trên biển cũng như quản lý trật tự, tài nguyên và môi trường.
Một liên minh pháp lý ở Biển Đông có thể là điều xa lạ tại thời điểm này, nhưng đây có vẻ là liên minh có căn cứ tốt nhất trong việc kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc, bởi gần như tất cả các nước dù muốn hay không cũng nghiễm nhiên tìm thấy tiếng nói chung ở việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS 1982.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận