17/09/2017 11:07 GMT+7

Mỹ lại bàn ‘phương án quân sự’ đối phó Triều Tiên

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng được cho là đã khiến giới chóp bu trong chính quyền Mỹ tiếp tục thảo luận phương án dùng vũ lực để "giải quyết vấn đề".

Mỹ lại bàn ‘phương án quân sự’ đối phó Triều Tiên - Ảnh 1.

Binh sĩ Hàn Quốc tiến hành tập trận ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 - Ảnh: REUTERS

"Những người nào cứ hay chê trách chúng tôi không có phương án quân sự, tôi khẳng định là có. Chỉ là bây giờ chúng tôi chưa muốn dùng đến nó" - cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng H.R McMaster tuyên bố trước các phóng viên cuối tuần này.

Tổng thống Trump khích lệ binh sĩ Mỹ

Bản thân nữ đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng phải thừa nhận rằng nếu cấm vận và áp lực ngoại giao không có tác dụng, Liên Hiệp Quốc cũng không thể làm gì hơn nữa.

"Trong trường hợp đó, tôi không có vấn đề gì trong chuyện đá nó qua cho bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, vì tôi nghĩ ông ấy có khá nhiều phương án" - bà Haley nói bóng gió.

Phát biểu từ căn cứ không quân Andrews hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh tính quyết liệt của các phương án quân sự Mỹ có trong tay.

"Sau khi chứng kiến khả năng và quyết tâm của các bạn ngày hôm nay, tôi tự tin hơn bao giờ hết rằng các phương án của chúng ta nhằm giải quyết mối đe dọa này vừa hiệu quả và áp đảo" - ông Trump khen ngợi các quân nhân Mỹ.

Hôm đầu tháng này, Bộ trưởng Mattis tiết lộ ông Trump đã được quân đội cập nhật toàn bộ các phương án quân sự (đối phó Triều Tiên). 

"Bất cứ mối đe dọa này đối với Mỹ hoặc vùng lãnh thổ Mỹ, bao gồm Guam, hoặc đồng minh của chúng ta sẽ vấp phải một phản ứng quân sự khủng khiếp, chính xác và áp đảo" - bộ trưởng Mattis mô tả.

Mỹ lại bàn ‘phương án quân sự’ đối phó Triều Tiên - Ảnh 2.

Tổng thống Donald Trump ngợi ca sức mạnh quân sự Mỹ tại căn cứ Andrews ở bang Maryland ngày 15-9 - Ảnh: REUTERS

Giới quan sát nhận xét hiện có hai vấn đề mới Mỹ phải cân nhắc nếu dùng vũ lực: Một là tìm ra các vị trí Bình Nhưỡng giấu vũ khí để phá hủy bằng vũ khí chính xác; hai là vượt qua hàng rào phòng thủ của Triều Tiên phá hủy số vũ khí đó bằng mọi giá.

Mục tiêu đông như kiến

Ông Mike Rogers, cựu chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, tiết lộ với Đài CNN rằng quân đội Mỹ đã tính đến một phương án gọi là "tiêu diệt đầu não", tức họ sẽ lập tức loại bỏ ông Kim Jong Un và các quan chức cấp cao Triều Tiên ngay khi xung đột nổ ra.

Mặc dù các quan chức cao cấp Mỹ khẳng định tình hình chưa đến mức phải dùng đến vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng nếu cuộc khủng hoảng chạm đến mức đó, họ thừa nhận Mỹ luôn có sẵn các tàu ngầm trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tuần tra ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Cũng theo Đài CNN, nhiều cuộc phỏng vấn các quan chức Nhà Trắng cho thấy tất cả các phương án quân sự đều có thể gây ra thương vong lớn cho dân thường, thậm chí nếu Mỹ tìm ra hết những vị trí Triều Tiên giấu vũ khí.

Để đi vào không phận Triều Tiên và tấn công các địa điểm chứa hạt nhân/tên lửa, Mỹ sẽ phải trông cậy vào tên lửa hành trình và chiến đấu cơ phá hủy các hệ thống phòng không và radar trước, theo các quan chức.

Quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc các biện pháp tiêu diệt hàng ngàn đơn vị pháo và vũ khí Bình Nhưỡng cho triển khai phía bắc khu phi quân sự, giáp biên giới với Hàn Quốc.

Mỹ lại bàn ‘phương án quân sự’ đối phó Triều Tiên - Ảnh 4.

Chủ tịch Kim Jong Un cùng các tướng lĩnh mừng vui sau vụ phóng tên lửa thành công ngày 15-9. Ảnh do hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố ngày 16-9 - Ảnh: REUTERS

Có đến hàng ngàn khẩu pháo dọc khu phi quân sự chỉa thẳng vào miền nam, một số trực tiếp vào Seoul. Thẳng thắn mà nói, số pháo này rất đơn giản và cũ kỹ, chúng không thể bị gián đoạn hoặc can thiệp theo bất cứ cách nào ngoại trừ đòn tấn công trực tiếp"

Đại tá Steve Warren, cựu phát ngôn Lầu Năm Góc

Dàn chuyên gia của Lầu Năm Góc tính toán họ sẽ cần hơn 1 tuần lễ không kích liên tục bằng bom và tên lửa để tiêu diệt toàn bộ kho vũ khí của Triều Tiên phát hiện qua vệ tinh quan sát.

Mỹ sẽ phải dựa vào phi đội F-35 tân tiến và các máy bay ném bom để tấn công dọc theo khu phi quân sự, theo các chuyên gia.

Tuy nhiên, với khoảng thời gian này, Triều Tiên hoàn toàn có thể mở các cuộc tấn công dẫn đến cái chết của vô số dân thường, thậm chí trong hoàn cảnh Mỹ dội hỏa lực liên tục xuống các kho chứa vũ khí của họ.

Các kế hoạch quân sự hiện nay cũng dựa chủ yếu vào sự hợp tác của Hàn Quốc. Nếu cần đến các chiến dịch trên bộ, Mỹ sẽ cố gắng không đưa quân vào Triều Tiên vì Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm trước sự hiện diện của họ trong cuộc xung đột.

Nga, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng đe dọa Triều Tiên

Cái khó là các nhà lãnh đạo Hàn Quốc lâu nay luôn khẳng định họ phản đối chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và luôn trấn an dân chúng rằng họ làm việc chặt chẽ với phía Mỹ.

Hơn ai hết, chính quyền Soul luôn hiểu rằng nếu chiến tranh xảy ra thì thường dân Hàn Quốc sẽ đứng ở đầu tên mũi đạn.

Mỹ lại bàn ‘phương án quân sự’ đối phó Triều Tiên - Ảnh 6.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 15-9 trên màn hình tại nhà ga ở thủ đô Seoul - Ảnh: REUTERS

Hai nước lớn Nga và Trung Quốc cũng luôn giữ quan điểm duy trì giải pháp ngoại giao, tìm kiếm đối thoại để tránh xung đột quân sự bằng mọi giá.

Ngày 15-9, Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải lại kêu gọi Mỹ kiềm chế, không đưa ra những lời đe dọa liên quan đến Triều Tiên. 

Phát biểu với báo giới tại một sự kiện ở Đại sứ quán, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh: "Mỹ nên làm nhiều hơn để có được sự hợp tác quốc tế thực sự hiệu quả trong vấn đề này. Họ nên tránh đưa ra thêm những lời đe dọa mà nên nỗ lực tìm kiếm các cách thức hiệu quả nhằm nối lại đối thoại và đàm phán". 

Cùng ngày, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nhấn mạnh Triều Tiên và các quốc gia khác cần phải chấm dứt những lời đe dọa lẫn nhau và nên tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa. 

Phát biểu trước báo giới, ông Nebenzia cho biết Matxcơva sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong nghị quyết trừng phạt mới nhất của LHQ thông qua ngày 12-9, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. 

Tuy nhiên, ông Nebenzia nhấn mạnh nghị quyết này cũng bao gồm cả những bước đi chính trị mà Mỹ và các quốc gia khác cần xúc tiến. 

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên