Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Lệnh cấm bao gồm cấm người Mỹ "đầu tư mới" ở bất kỳ nơi nào và cấm "nhập khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp vào Mỹ bất kỳ hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ nào từ các khu vực được đề cập (Donetsk và Luhansk)".
Mỹ, Anh và Pháp cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp trong ngày 21-2 về tình hình Ukraine sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Ukraine.
Các thành viên của hội đồng như Albania, Ireland, Na Uy và Mexico cũng ủng hộ việc tổ chức cuộc họp. Nga, nước hiện là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có trách nhiệm lên kế hoạch tổ chức cuộc họp.
Theo Hãng tin Reuters, Nhà Trắng cho biết Mỹ hoàn toàn tin tưởng Nga sẽ có hành động quân sự. Cuộc họp ngoại giao giữa bộ trưởng ngoại giao hoặc tổng thống Mỹ - Nga sẽ không xảy ra nếu Nga có hành động quân sự hơn nữa với Ukraine.
Về quyết định của Nga, tổng thống Ukraine khẳng định Ukraine mong muốn hòa bình nhưng quyết định của Nga đã phá hủy các nỗ lực hòa bình và mô hình đàm phán đang có.
Trong một tuyên bố riêng, Anh cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga và lên án việc Tổng thống Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine Donetsk và Luhansk là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đề nghị hỗ trợ về phòng thủ với Ukraine và cho rằng trong khi giải pháp ngoại giao nên được theo đuổi cho đến giây cuối cùng, tình hình có thể đang xấu đi.
Văn phòng của ông Johnson đưa tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo: "Thủ tướng nói với Tổng thống Zelenskiy rằng ông tin một cuộc xâm chiếm có thể xảy ra trong những giờ và ngày tới. Ông khẳng định Anh đã có các biện pháp trừng phạt nhằm vào những kẻ đồng lõa trong việc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Những biện pháp đó sẽ có hiệu lực vào ngày mai (22-2). Ông cũng hứa sẽ tìm cách gửi thêm các hỗ trợ về phòng thủ cho Ukraine, theo yêu cầu của chính quyền Ukraine".
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Johnson sẽ đồng ý gói trừng phạt ngay lập tức chống lại Nga tại cuộc họp lúc 13h30 (giờ Việt Nam) của Ủy ban ứng phó khủng hoảng (COBR) của chính phủ trong ngày 22-2.
Trước cuộc điện đàm với ông Zelenskiy, ông Johnson cho rằng quyết định công nhận hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk của Nga là "một sự vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn của Ukraine".
"Đó là sự từ chối quy trình Minsk và các thỏa thuận Minsk. Tôi nghĩ đó là một điềm xấu và là một dấu hiệu rất đen tối", ông Johnson nói.
Phía Anh cho biết các lệnh trừng phạt sẽ đưa ra trong ngày 22-2 có thể không phải là mức độ đáp trả cao nhất, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được dự phòng nếu sau đó Tổng thống Putin quyết định có hành động quân sự.
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 21-2, tất cả các nhân viên còn lại của Bộ Ngoại giao Mỹ đã được yêu cầu rời khỏi Ukraine do khủng hoảng về tình hình Nga - Ukraine leo thang.
Phóng viên Bloomberg viết trên Twitter: "Đại sứ quán Mỹ trước đó đã được dời từ Kiev đến thành phố Lviv ở phía Tây và hiện nay họ dời đi Ba Lan".
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có công bố chính thức để xác nhận thông tin này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận