TTCT - Iraq đang thật sự rơi vào tình trạng nội chiến. Cuộc khủng hoảng Iraq có liên hệ hữu cơ trực tiếp với cuộc nội chiến tương tàn đang diễn ra suốt ba năm qua tại Syria và hứa hẹn những hệ lụy không lường hết được đối với khu vực và thế giới. Binh lính Iraq mặc đồ dân sự bị các thành viên vũ trang của ISIL áp giải - Ảnh: Guardian Yếu tố nóng nhất của cuộc khủng hoảng là lực lượng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (ISIL). Không chỉ công khai tuyên bố “tiến về Baghdad”, nhóm thánh chiến khủng bố còn nhắn nhủ với chính quyền Mỹ “gặp nhau tại New York”! Vì vậy, Washington không thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn các lợi ích của Mỹ tại Iraq và khu vực bị đe dọa. Không chỉ là ISIL Sự bùng phát của ISIL khiến người phát ngôn của Nhà Trắng ngày 11-6 phải lên tiếng hứa hẹn “sẵn sàng trợ giúp thêm cho chính quyền Iraq chống khủng bố”. Nhưng từ đó đến nay, phiến quân vẫn trụ vững ở những thành phố lớn mà họ mới chiếm được (Mosul - thủ phủ tỉnh Ninawa, Tikrit - thủ phủ tỉnh SalahuDeen, Beeji - nơi có khu công nghiệp lọc dầu lớn nhất Iraq...), đồng thời mở rộng khu vực kiểm soát ra suốt dọc biên giới với Syria, từ cực bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ đến cực nam giáp Jordan. Trong khi đó, các tuyên bố liên tiếp của chính giới Mỹ thì cứ ngập ngừng, loay hoay như gà mắc tóc! Sau khi thảo luận với các cố vấn cao cấp và tham khảo các đồng minh trong khu vực, Tổng thống Barack Obama hiểu rằng cuộc khủng hoảng tại Iraq không đơn thuần chỉ là giữa ISIL với chính quyền Iraq do ông Nouri al-Maliki làm thủ tướng. Từ tháng 4-2013, người Sunni ở thành phố al-Falouja (thuộc tỉnh al-Anbar, cách Baghdad hơn 60km về phía tây) đã nổi lên đòi quyền bình đẳng về chính trị với người Shiite. Các tộc trưởng Sunni đã tổ chức các đội dân binh vũ trang để “bảo vệ người biểu tình” chống lại việc chính quyền dùng quân đội thẳng tay đàn áp, tương tự đã diễn ra ở Syria hồi cuối năm 2011. Tình thế đối đầu quân sự xuất hiện ở al-Falouja và cả Ramadi - thủ phủ tỉnh al-Anbar. Tình trạng đánh bom khủng bố tái diễn tại Baghdad và một số thành phố khác, nhất là từ đầu năm 2014 đến nay khiến mỗi tháng có hàng trăm người thiệt mạng. Đó là môi trường thuận lợi để ISIL từ Syria kéo về Iraq. Người ở al-Anbar vốn cùng dòng Sunni với ISIL và họ nhận thấy chỉ có dựa vào lực lượng này mới có thể đương đầu với quân đội của chính phủ. Các chính khách Sunni trong hội đồng tổng thống, quốc hội và chính phủ tìm mọi cách bênh vực cho cuộc đấu tranh ở al-Anbar nhưng vô hiệu. Họ tố cáo Thủ tướng al-Maliki là độc tài, đẩy người Sunni ra bên lề chính trường. Đường lối cứng rắn của ông al-Maliki còn bị chính các nhóm Shiite và cả người Kurd phản đối kịch liệt. Cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội diễn ra ngày 30-4 vừa qua với sự thắng thế tương đối của liên danh do al-Maliki đứng đầu khiến ông này muốn ngồi lại ghế thủ tướng thêm nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, nhưng các khối Sunni, người Kurd và cả Shiite có chân trong quốc hội mới đều không chấp nhận. Xung khắc này khiến sự bất mãn lan rộng và dâng cao trong cả chính trường lẫn xã hội Iraq. Chưa biết đến bao giờ mới họp được phiên đầu tiên của quốc hội mới để bầu ra chủ tịch quốc hội, tổng thống và chỉ định thủ tướng. ISIL đã tận dụng tâm lý bất mãn và tình trạng khoảng trống chính quyền sau bầu cử để khởi sự cuộc nổi loạn. Ngày 19-6, nhiều chính khách cựu trào cũng như đương nhiệm của Mỹ cho rằng ông al-Maliki “là một phần của khủng hoảng chứ không phải là một phần của giải pháp”. Các nhóm Sunni đồng minh của ISIL Tổ chức ISIL không thể đủ mạnh cả về quân số và vũ khí để chỉ trong vài ngày có thể đánh bại hai sư đoàn quân đội Iraq cùng lực lượng an ninh hùng hậu tại hai tỉnh quan trọng ở miền bắc nước này. ISIL cũng không thể vừa chiếm giữ những khu vực đã chiếm được, lại vừa mở rộng vùng kiểm soát đến các thành phố và thị trấn nằm dọc biên giới với Syria. Bây giờ thì Mỹ đã hiểu rằng ISIL chỉ là lực lượng chủ công của cuộc dấy loạn. ISIL có những đồng minh “nằm vùng” từ lâu ở những tỉnh mà họ vừa đánh chiếm, tất cả đều theo dòng Hồi giáo Sunni đố kỵ với chính quyền trung ương Iraq do người Shiite kiểm soát. Họ chủ yếu là lực lượng kháng chiến chống sự chiếm đóng của Mỹ từ năm 2003. Đến cuối năm 2007, các nhóm này, kể cả tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq” (al-Qaeda Iraq, tiền thân của ISIL), hầu như đều bị tan rã. Số còn lại phải “nằm im chờ thời”. Sau khi ISIL chiếm được Mosul và Tikrit, một số nhóm vũ trang đồng minh đã lộ diện. Đáng kể nhất là lực lượng gồm các cựu thành viên của Đảng al-Baath Iraq (thời Saddam Hussein). Lực lượng này có danh xưng là Đạo quân Con đường của Naqshabandi (một danh tướng Hồi giáo người Azerbaijan thế kỷ thứ 14 sau Công nguyên, còn lăng mộ tại thành phố Bukhara) do Izzat Ibraheem Douri, phó tổng thống Iraq thời Saddam Hussein, làm thủ lĩnh. Đây là lực lượng thiện chiến bởi chủ yếu gồm các sĩ quan và binh sĩ quân đội Iraq trước năm 2003, theo hệ tư tưởng thế tục dân tộc Ả Rập. Một số nhóm thánh chiến dòng Sunni khác như Đạo quân Hồi giáo, Jihad... vốn là đồng minh của al-Qaeda Iraq từ khi Mỹ còn chiếm đóng Iraq. ISIL và tất cả các đồng minh của nhóm này đều có chung mục tiêu trước mắt là lật đổ chính phủ của Thủ tướng al-Maliki, nhưng mục tiêu lâu dài thì rất khác nhau. ISIL và các nhóm thánh chiến muốn có một quốc gia Hồi giáo được cai trị bởi giáo luật Shariya, còn các nhóm Sunni đơn thuần chỉ muốn đòi lại các quyền chính trị bình đẳng cho người Sunni Iraq. Các nhóm Sunni ngoài ISIL thật ra không chấp nhận khủng bố. Họ vốn coi ISIL là “ngoại lai” và chỉ hợp tác để đạt được mục tiêu trước mắt. Sự hợp tác giữa ISIL với các đồng minh Sunni rất phức tạp, đan xen, hòa quyện vào nền tảng dân cư tại chỗ vốn có các quan hệ địa phương, dòng tộc. Không dễ gì tách bạch ISIL ra để oanh kích mà mong tránh giết hại dân thường và đánh nhầm vào các nhóm Sunni khác. Mỹ cũng đã thấy rõ chính quyền al-Maliki hiện nay không đại diện cho rộng rãi các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo trong nước. Chẳng những người Sunni mà người Kurd cũng chống lại chính phủ al-Maliki. Hơn nữa, người Sunni Iraq và các chính quyền Ả Rập láng giềng, nhất là Saudi Arabia, coi chính quyền al-Maliki là đồng minh thân cận của Iran, đối thủ của Mỹ và Israel trong khu vực! Ngày 16-6, Hội đồng bộ trưởng Saudi Arabia đã tuyên bố phản đối “mọi sự can thiệp nước ngoài” vào Iraq, trong đó ngầm nhắm cả Mỹ và Iran để bảo vệ người Sunni Iraq. Vậy nếu Mỹ giúp Chính phủ Iraq hiện nay để dẹp phiến quân thì sẽ đánh hết người Sunni, giúp cho chính quyền đồng minh của Iran và chuốc lấy oán giận từ phía các chính quyền Ả Rập láng giềng của Iraq? Iran: thế lực bên ngoài có ảnh hưởng nhất Nhưng dù Mỹ có muốn trực tiếp giúp chính quyền al-Maliki thì Iran cũng không cho phép. Ngày 16-6, Tổng thống Hassan Rouhani đã nói rõ Iran sẽ kiên quyết bảo vệ các thánh địa của dòng Shiite tại Iraq, gồm các thành phố Karbela, Najaf, Samara và Kazemiya (thuộc Baghdad). Ngày 22-6, Đại giáo chủ Ali Khamaneii tuyên bố “kịch liệt phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Iraq”! Tại Vienna (Áo) ngày 16-6, bên lề cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm các cường quốc về chương trình nguyên tử của Iran, phái đoàn Mỹ đã gặp phái đoàn Iran để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Iraq. Người ta cũng đồn đoán nhiều về tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng John Kerry rằng Mỹ “sẵn sàng cởi mở với Iran” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Iraq. Nhưng sau đó, ngày 19-6, ông Kerry cho rằng từ “cởi mở” đã bị hiểu sai khi giải thích rằng phía Mỹ tiếp xúc với Iran tại Vienna là chỉ để đôi bên hiểu lập trường của nhau và “tránh mắc sai lầm” tại Iraq. Mỹ mong muốn Iran dùng ảnh hưởng của mình để giúp sớm hình thành một chính phủ đoàn kết quốc gia tại Iraq, bởi chỉ có một chính phủ có cả người Sunni và người Kurd cùng tham gia với người Shiite mới là nhân tố quyết định giải quyết tình hình Iraq hiện nay. Có lẽ Mỹ cũng hiểu rằng nếu can thiệp vào Iraq thì không tránh khỏi sa lầy và có nguy cơ đụng độ trực tiếp với Iran nữa. Người ta cứ tập trung bàn tán nhiều đến vai trò của Mỹ tại Iraq, mà không nhớ rằng hiện nay Iran mới chính là thế lực bên ngoài có ảnh hưởng nhất trên thực địa tại Iraq, cũng như ở Syria! Nguồn tham khảo: aawsat.com, alarabiya.net, aljazeera.net, alhayat.com. Tags: Mỹ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Phi công tiêm kích Su30-MK2 kể về màn khoan, thả đạn nhiễu NAM TRẦN 19/12/2024 Tập trung cao độ, phi công điều khiển chiếc tiêm kích Su30-MK2 mang số hiệu 8591 tiến về phía khu vực lễ đài, bật tăng lực bay thẳng đứng thả 96 quả đạn nhiễu, đồng thời làm động tác khoan xoay nhiều vòng.
Kẻ đốt quán cà phê làm 11 người chết khai: vì bị đánh nên không kiềm chế được bản thân DANH TRỌNG 19/12/2024 Tại công an, Cao Văn Hùng tỏ ra bình thản, khai do bị đánh nên thiếu suy nghĩ, không thể kiềm chế được bản thân dẫn đến phóng hỏa đốt quán cà phê làm 11 người chết.
Điện Quang báo lỗ, ông Hồ Quỳnh Hưng không còn là người đại diện pháp luật BÌNH KHÁNH 19/12/2024 Ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện Quang, không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Người thay thế là ông Trần Quốc Toản.
Ông Putin bất ngờ tuyên bố sẽ cho ông Zelensky tị nạn chính trị NGỌC ĐỨC 19/12/2024 Tổng thống Nga khẳng định không thể trách quyết định ân xá con trai của ông Biden, đồng thời tuyên bố sẽ cấp tị nạn chính trị cho ông Zelensky nếu ông ấy cần.