Tên lửa đạn đạo tầm trung Mỹ trong vụ bắn thử đầu tiên sau khi rút khỏi hiệp ước với Nga hồi tháng 8-2019 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Động thái diễn ra chỉ vài tháng sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Matxcơva. Phía Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước trước vì phát triển các loại tên lửa bị cấm trong INF nên không có lý do gì để Washington tiếp tục tuân thủ.
Theo Hãng thông tấn AFP, tên lửa được bắn đi lúc 8h sáng 12-12 (giờ địa phương) từ căn cứ không quân Vandenberg ở California và bay được hơn 500km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Đây là vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân thứ hai trong vòng 4 tháng qua của quân đội Mỹ. Các điều khoản trong INF cấm Mỹ và Nga phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km.
"Các dữ liệu thu được và kinh nghiệm từ lần bắn thử này sẽ hỗ trợ Lầu Năm Góc tăng cường phát triển năng lực tên lửa tầm trung trong tương lai", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Robert Carver khẳng định.
Vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 12-12 tại California - Nguồn: TWITTER
Viết trên Twitter sáng 13-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chúc mừng vụ bắn thử thành công, nhấn mạnh sự nỗ lực của nhiều cơ quan đã biến những ý tưởng trên giấy thành thực tế chỉ sau 9 tháng.
"Mỹ đã ngừng tuân thủ INF vào tháng 2 năm nay. Thông thường cần mất ít nhất 2 năm để lên kế hoạch và tiến hành một vụ bắn thử như vậy. Vụ việc lần này đã cho thấy rõ năng lực phản ứng của Mỹ trước các mối đe dọa an ninh quốc gia", bộ trưởng Esper lập luận.
Việc Mỹ rút khỏi INF không chỉ vấp phải sự chỉ trích của Nga mà còn làm Trung Quốc lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công khai ý định sẽ triển khai tên lửa tầm trung đến châu Á và để ngỏ khả năng đặt chúng tại các nước gần Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hãng tin AFP bình luận vụ bắn thử tên lửa mới nhất có thể nhằm gởi một thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã ám chỉ sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa tầm xa như một "món quà Giáng sinh" nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận