01/06/2012 06:56 GMT+7

Mỹ khẳng định cam kết với châu Á - Thái Bình Dương

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hôm nay 1-6, đại biểu khoảng 30 quốc gia và 16 bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và các nước châu Á có mặt tại Singapore để tham gia Đối thoại an ninh châu Á lần thứ 11 (Shangri-La 11) kéo dài ba ngày.

klD1G6o2.jpgPhóng to
Tàu ngầm của Mỹ ở Bộ chỉ huy châu Á - Thái Bình Dương tại Honolulu, Hawaii - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta sẽ gặp gỡ song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước trong ngày hôm nay. Chương trình nghị sự của Shangri-La 11 chính thức bắt đầu từ ngày 2-6. Trang web Bộ Quốc phòng Mỹ (www.defense.gov) cho biết tại đối thoại Shangri-La, ông Panetta sẽ giải thích rõ hơn với các nước khu vực về chiến lược tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

“Chúng tôi cố gắng mô tả toàn diện sự tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ” - Reuters dẫn lời một quan chức Lầu Năm Góc. Ông Panetta cũng phải hóa giải quan ngại của các nước khu vực rằng liệu Washington có giữ vững cam kết với châu Á - Thái Bình Dương trong điều kiện ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm 487 tỉ USD trong mười năm tới.

Cẩn trọng với Trung Quốc

Ngay trước chuyến đi đến châu Á - Thái Bình Dương, ông Panetta đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào quân sự. “Quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa và phát triển mạnh. Chúng ta cần phải cẩn trọng. Chúng ta phải mạnh mẽ. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi thách thức” - ông Panetta nhấn mạnh.

Do đó, hôm qua 31-5, phía Trung Quốc đã có phản ứng với chuyến đi của ông Panetta. “Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ tôn trọng các lợi ích và quan ngại của Trung Quốc trong khu vực” - Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố. Trên thực tế, truyền thông Trung Quốc thường chỉ trích các diễn đàn khu vực là nơi để các quốc gia chỉ trích nước này. Trong diễn đàn an ninh ASEAN năm 2010, phía Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố cho rằng Trung Quốc quá hung hăng trong tranh chấp biển Đông.

Giới chuyên gia nhận định có thể ông Panetta sẽ dùng ngôn từ mềm mỏng hơn tại Shangri-La để tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. “Ông ấy sẽ cẩn thận hơn về ngôn từ. Những thông điệp mà ông ấy đưa ra rất quan trọng và có thể sẽ gây ra phản ứng từ Trung Quốc” - Reuters dẫn lời nhà nghiên cứu Jonathan Pollack thuộc Viện Brookings nhận định.

Chuyên gia Pollack cho biết Trung Quốc đặc biệt lo ngại khi một báo cáo mới đây của Mỹ xếp Trung Quốc vào hàng ngũ “đối thủ” của Mỹ như Iran và xác định Ấn Độ có thể là đối tác giúp Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Phía truyền thông Trung Quốc đang phản ứng lại với mọi động thái của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Mới đây, Tân Hoa xã và báo Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc chỉ trích việc Chính phủ Mỹ muốn gia nhập Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) nhằm “can thiệp sâu hơn vào các vấn đề châu Á”.

Biển Đông vẫn căng thẳng

Sau Shangri-La, Bộ trưởng Panetta sẽ đến Việt Nam và Ấn Độ. Reuters dẫn lời một số chuyên gia Mỹ bình luận Washington xác định Việt Nam và Ấn Độ đang trở thành các đối tác chiến lược quan trọng đối với Mỹ trong nhiều vấn đề như thiết lập trật tự khu vực, bảo vệ tự do hàng hải, giải quyết xung đột trên biển theo phương thức hòa bình.

Đối thoại Shangri-La 11 diễn ra trong bối cảnh tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines vẫn chưa được tháo ngòi. Theo báo Daily Inquirer, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario mới đây cho biết Philippines và Trung Quốc vẫn chưa tìm ra bất kỳ giải pháp tạm thời nào để tháo ngòi căng thẳng ở bãi cạn Scarborough. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm giải pháp hòa bình trong việc giải quyết tình hình hiện nay thông qua những tham vấn ngoại giao” - ông Del Rosario cho biết.

Trong khi đó, Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt cho rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ lãnh thổ của họ đến cùng. Ông Lương Quang Liệt vẫn khẳng định tàu Philippines đã “quấy rối” ngư dân Trung Quốc. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố tương tự. Bắc Kinh tiếp tục yêu cầu Manila rút hết tàu của họ ở bãi cạn Scarborough. Ngược lại, Philippines cáo buộc các tàu ngư chính và hải giám của Trung Quốc vẫn còn có mặt trong khu vực tranh chấp.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên