Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi trong một lần gặp. Indonesia là một trong những điểm dừng chân trong chuyến công du châu Á của ông Pompeo tuần này - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia
Dù các khoản viện trợ y tế của Mỹ trong đại dịch là rất có ý nghĩa nhưng trong mắt các nhà hoạch định chính sách Indonesia, số tiền này không lớn bằng những cam kết cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 đến từ Trung Quốc.
Từ chối cho máy bay Mỹ tiếp liệu
Việc Jakarta mới đây thẳng thừng từ chối trở thành điểm tiếp liệu cho máy bay quân sự Mỹ không chỉ phản ánh sự dịch chuyển ưu tiên của Indonesia, nhìn rộng ra nó còn cho thấy nỗi lo ngại của các nước Đông Nam Á trước cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung có thể khiến họ phải chấm dứt "chính sách trung lập chiến lược".
Là thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết - một nhóm các nước chủ trương tránh mọi sự ràng buộc quân sự do lo ngại bị lợi dụng cho tính toán của nước lớn, Indonesia chưa bao giờ cho phép quân đội nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ, theo Reuters.
Điều này lý giải vì sao các quan chức Indonesia đã "bất ngờ" khi Mỹ liên tục tiếp xúc ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Indonesia cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, với hi vọng một trong các hòn đảo của xứ vạn đảo trở thành nơi tiếp liệu cho máy bay P-8. Đề nghị của Washington đã nhanh chóng bị Tổng thống Indonesia Joko Widodo bác bỏ, một nguồn tin khác của Reuters tiết lộ.
Trong suốt nhiều tháng liền, nói như Hãng tin Reuters, các quan chức Indonesia đã lùng sục gần như mọi ngóc ngách của thế giới để tìm kiếm vắcxin ngừa COVID-19. "Và họ đã thành công vào tháng rồi - Reuters viết - Ba công ty Trung Quốc cam kết cung cấp 250 triệu liều vắcxin cho quốc gia 270 triệu dân và 100 triệu liều nữa từ một công ty Anh. Không có các cam kết cung cấp vắcxin nào đến từ Mỹ".
Thay cho các cam kết vắcxin, Washington đã viện trợ cho Jakarta 1.000 máy thở - một phần của gói viện trợ y tế 12,5 triệu USD. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á David Stilwell khẳng định Washington đang nỗ lực làm nhiều hơn nữa để trở thành một đối tác kinh tế mạnh mẽ của Indonesia.
Các động thái của Mỹ dù nhận được sự hoan nghênh từ Jakarta nhưng vẫn không đủ để Indonesia mở cửa không phận cho máy bay quân sự Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia nhưng Jakarta cũng lo ngại việc trở thành điểm tiếp liệu cho P-8 sẽ đặt dấu chấm hết cho chính sách "trung lập chiến lược" dài mấy thập niên của đất nước.
"Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt và sức mạnh cơ bắp quá nhiều - một quan chức Indonesia giấu tên nói với Reuters - Trung Quốc thì rất thông minh. Họ luôn chọn tiếp cận bằng quyền lực mềm, sử dụng sức mạnh kinh tế".
Nhà phân tích Euan Graham cho rằng việc Mỹ muốn P-8 đến Indonesia xuất phát từ động cơ chính trị nhiều hơn. Ông chỉ ra việc loại máy bay này hoàn toàn có thể ra vào không phận Singapore, Malaysia hoặc Philippines mà vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không mắc kẹt trong cạnh tranh siêu cường
Xét về mặt chiến lược, Mỹ và ASEAN bao gồm Indonesia có nhiều điểm hội tụ. Washington phản đối các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, thách thức các thực thể nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép. Gần đây nhất, Mỹ tuyên bố sẽ lập căn cứ cho đội tàu phản ứng nhanh của tuần duyên nhằm ngăn chặn chiến thuật "vùng xám" (hành động gây căng thẳng dưới mức chiến tranh) và nạn đánh bắt cá tràn lan của Trung Quốc.
Sự dịch chuyển của tuần duyên Mỹ rất hấp dẫn với Indonesia, quốc gia đã từng cho nổ tung những tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.
Nhưng người Mỹ dường như đang tính toán sai. Gregory B. Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) nói thẳng việc Washington cố gắng thuyết phục Jakarta tiếp nhận máy bay P-8 là một nỗ lực "vụng về" cho thấy Mỹ chưa thực sự hiểu Indonesia.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại Đông Nam Á Aaron Connelly nhận xét luận điệu của ông Pompeo - rằng Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất" với Mỹ - khiến các nước khu vực không mặn mà với chuyện bắt tay cùng Washington.
Đáp lại các nhận định của giới học giả, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã trả lời một cách đầy ngoại giao rằng Jakarta sẵn sàng hợp tác chống COVID-19 với tất cả các nước, bao gồm cả Mỹ chứ không riêng gì Trung Quốc.
"Chính sách đối ngoại của chúng tôi là độc lập và chủ động. Chúng tôi không muốn bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh siêu cường này. Indonesia muốn cho các nước thấy chúng tôi là đối tác của tất cả".
400.000
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang vật lộn để kiềm chế số ca nhiễm dưới 6 con số và để làm được điều đó, vắcxin là phương cách duy nhất. Tính đến trưa 28-10, Indonesia ghi nhận gần 400.000 ca COVID-19 với hơn 13.500 người chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận