UAV tấn công MQ-9 Reaper của Mỹ với 4 tên lửa Hellfire được lắp dưới cánh - Ảnh: AFP
Vai trò của các căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông dần được hé lộ vài ngày sau cái chết của tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Trang Arab News dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ chiếc máy không người lái (UAV) phóng tên lửa giết tướng Soleimani xuất kích từ căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar. Đây cũng là căn cứ quân sự lớn nhất mà Mỹ có ở Trung Đông, có khả năng hỗ trợ tất cả các máy bay của quân đội Mỹ, bao gồm cả pháo đài bay B-52.
Tổng cộng 7 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công rạng sáng 3-1, bao gồm tướng Soleimani và một thủ lĩnh dân quân Iraq thân Iran.
Quân đội Mỹ chỉ mất đúng 2 quả tên lửa Hellfire R9X Ninja - loại cải tiến không được trang bị đầu đạn chứa thuốc nổ thông thường để hạn chế thiệt hại không cần thiết xung quanh.
Bên trong đầu đạn cải tiến này chứa 6 lưỡi kiếm sẽ bật ra để xuyên qua mục tiêu và phá hủy nó bằng động năng của vụ va chạm tốc độ cao.
Chiếc MQ-9 Reaper thực hiện vụ tấn công được điều khiển từ một trung tâm chỉ huy đặt tại bang Nevada của Mỹ, nơi cách hiện trường hơn 11.700km.
Một chiếc MQ-9 Reaper cũng xuất phát sau chiếc đầu tiên, phòng trường hợp tên lửa không đánh trúng chiếc xe chở ông Soleimani. Loạt tên lửa đánh trúng mục tiêu ngay lần phóng đầu tiên nên chiếc thứ hai này quay trở về căn cứ ngay sau đó.
Các quan chức Mỹ tuyên bố vụ tấn công được thực hiện theo mệnh lệnh trực tiếp của Tổng thống Donald Trump - một quyết định đã được đưa ra từ tận hôm 29-12-2019, theo Arab News.
Khoảnh khắc tên lửa Hellfire R9X “Ninja” đánh trúng đoàn xe chở tướng Soleimani - Nguồn: AhadTV
Tổ chức American Security Project có trụ sở tại Washington thống kê chỉ tính riêng trên bán đảo Arab, Mỹ đã có tới 10 căn cứ không quân lớn nhỏ. Nhưng đáp ứng yếu tố bí mật và khả năng vận hành chỉ có Al Udeid ở Qatar.
Kể từ khi được xây dựng năm 1996, Al Udeid có vai trò quan trọng với các hoạt động quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Ước tính vào năm 2017 có khoảng 11.000 lính Mỹ đóng tại căn cứ này.
Với tầm hoạt động hơn 1.850km và trần bay tới 15.000m, UAV mang tên "Tử thần" của Mỹ dư sức bay từ Qatar đến Baghdad rồi quay trở về.
Theo giới quan sát, vụ ám sát tướng Soleimani đánh dấu một sự thay đổi trong chiến thuật sử dụng UAV của Mỹ, biến chúng từ những công cụ tiêu diệt khủng bố thành công cụ ám sát.
Các căn cứ không quân (màu đỏ) của Mỹ tại bán đảo Arab - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, sự thành bại của chiến thuật này còn phụ thuộc vào vị trí mà UAV xuất phát. Trong trường hợp này, các căn cứ không quân Mỹ tại Trung Đông cho thấy ý nghĩa chiến lược của chúng.
Mặc dù vậy, hành động của Washington lần này lại đặt Qatar vào tình thế khó xử. Ngày 4-1, một ngày sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã bay sang Tehran để gặp người đồng cấp Iran và Tổng thống chủ nhà Hassan Rouhani.
Theo Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, dù không hé lộ bất kỳ chi tiết nào về nội dung làm việc, chuyến đi của ông Al-Thani được xem là một nỗ lực giãi bày của Qatar trước Iran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận