11/03/2023 08:43 GMT+7

Mỹ hỗ trợ nông dân miền Tây

Vị lãnh đạo cơ quan viện trợ phát triển của Mỹ đã xuống miền Tây để lắng nghe những câu chuyện làm ăn của người nông dân Việt Nam và thông báo kế hoạch tài trợ của Mỹ sắp tới.

Bà Samantha Power lắng nghe câu chuyện nuôi trồng của ông Lý Văn Bon - Ảnh: HỒNG VÂN

Bà Samantha Power lắng nghe câu chuyện nuôi trồng của ông Lý Văn Bon - Ảnh: HỒNG VÂN

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến năng suất lúa, đến thu nhập từ nuôi cá, đến sức khỏe của các anh/chị và người dân trong cộng đồng như thế nào? Các anh/chị có dự định gì trong tương lai nếu các tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra theo chiều hướng này?

Đó là một số trong rất nhiều câu hỏi mà bà Samantha Power - tổng giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) - liên tiếp đặt ra với nông dân trồng lúa, rau màu, trái cây ở Vĩnh Long và người nuôi cá ở Cần Thơ. 

Trong khuôn khổ chuyến công tác tới Việt Nam từ ngày 7 đến 10-3, bà đã dành trọn gần hai ngày ở hai tỉnh miền Tây để chứng kiến tận mắt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi hứng chịu tác động nặng nề nhất của vấn đề này ở Việt Nam.

Những câu chuyện như thế, người nông dân miền Tây giờ có thể kể ra cả ngày không hết. Ông Bảy Bon (Lý Văn Bon, ngụ phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết ông nuôi cá nước ngọt (cá thát lát) suốt 25 năm qua trên cồn Sơn, giữa dòng sông Hậu. 

Tuy nhiên, nguồn nước ô nhiễm, nước sông bị xâm nhập mặn, thời tiết, con nước thất thường và nhiều yếu tố khác khiến việc nuôi cá không còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Từ năm 2017, ông phải kết hợp nuôi cá và đón khách du lịch. 

"Không thể dựa vào một nguồn thu nhập. Chúng tôi chưa biết đây có phải là hướng đi đúng cho tương lai chưa nhưng phải chuyển đổi trước những tác động đã xảy ra của biến đổi khí hậu trước khi quá muộn", ông Bảy Bon thật thà kể.

Câu chuyện của ông Bảy Bon tương đồng với các hộ dân trồng lúa, trồng màu khác ở đồng bằng. Thời tiết thất thường, mưa trái mùa, xâm nhập mặn... khiến việc làm nông theo kinh nghiệm cũ, kể cả trồng lúa như thời ông bà, không giúp gia đình họ đủ trang trải cuộc sống. Họ đã phải chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu, trái cây... nhưng không biết chắc sự chuyển hướng này có đúng đắn không và sẽ kéo dài bao lâu. Đời con, đời cháu có còn nối nghiệp nông gia cũng là điều chưa ai nghĩ đến.

Dù là chuyến thăm Việt Nam lần đầu, vị lãnh đạo cơ quan viện trợ của Mỹ vẫn thấy đồng cảm ngay với những mối lo của người nông dân nhưng tin rằng trong "nguy" có "cơ" và USAID sẽ đồng hành cùng người dân Việt Nam trong các nỗ lực thích ứng với những thách thức thời cuộc này. 

Bà tiết lộ vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, USAID sẽ triển khai dự án với kinh phí 15 triệu USD cho ĐBSCL, tập trung vào nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản trước bối cảnh mới nhưng trong thời gian tới, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để tìm cách giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Tôi ở đây vì Mỹ là một trong những đất nước tạo phát thải lớn, góp phần tạo ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Tôi ở đây vì Mỹ cũng thực sự là một người bạn chân thành, một đối tác của Việt Nam. 

Chúng ta là một phần của giải pháp cho các thách thức hiện nay. Tôi đã và sẽ nói chuyện với các lãnh đạo của cả khối công và tư, những người dân về những gì chúng ta có thể làm trong tương lai 5, 10 năm tới để giúp người dân ĐBSCL thích ứng về sinh kế và cuộc sống với những thay đổi lớn lao đang xảy ra do biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể có những dự án chẳng hạn như chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo và không giới hạn chỉ ở năng lượng mặt trời".

Chiều 10-3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp bà Samantha Power. Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của bà Power, một trong những hoạt động mở đầu dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).

Bà Power bày tỏ ấn tượng tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam, cảm ơn Bộ Ngoại giao và cá nhân Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hỗ trợ hiệu quả triển khai hoạt động của USAID tại Việt Nam.

Bà cho biết USAID sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh bao gồm tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa, nâng cao năng lực giám định ADN cho các nhà khoa học Việt Nam để tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt quân nhân Việt Nam, cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng y tế, ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm.

BẢO DUY

Giá mít miền Tây lại tăng: Nông dân cần thận trọng tăng diện tíchGiá mít miền Tây lại tăng: Nông dân cần thận trọng tăng diện tích

Hiện nay giá mít tại miền Tây khởi sắc trở lại, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ, nông dân phấn khởi. Chi cục trồng trọt các tỉnh khuyến cáo nông dân thận trọng mở rộng diện tích, canh tác theo hướng hữu cơ để duy trì hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên