Các quan chức Mỹ cho biết đợt tấn công vừa qua nhắm vào nơi đặt radar của Houthi nhằm ngăn tổ chức này tiến hành các cuộc tấn công tàu thuyền thương mại đi qua Biển Đỏ.
Mức độ căng thẳng mới
Cuộc tấn công này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Anh và Mỹ không kích hàng chục địa điểm của Houthi ở Yemen. Mỹ là bên ủng hộ cuộc chiến của Israel nhằm vào tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine. Trong khi đó, Houthi ủng hộ Hamas.
Để phản đối Israel và đồng minh của họ, Houthi đã tấn công các tàu hàng đi qua Biển Đỏ. Những cuộc tập kích này rất khó bị ngăn cản do Houthi chủ yếu dùng máy bay không người lái và tên lửa. Để bảo vệ tuyến hàng hải quan trọng này, Mỹ tuyên bố thành lập một liên minh với tên gọi Chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng (OPG).
Ban đầu, kế hoạch của Mỹ bị đánh giá không khả quan trước chiến thuật tấn công ít chi phí của Houthi. Nhưng khi ấy Washington cũng thận trọng không trực tiếp tấn công vào cơ sở hạ tầng của Houthi ở Yemen do lo ngại điều đó có thể khiến căng thẳng leo thang, thậm chí khiến họ sa lầy vào một xung đột diện rộng ở Trung Đông.
Tuy nhiên tới giữa tuần qua, Mỹ và Anh đã quyết định không kích Houthi tại Yemen. Sau khi lãnh đạo Houthi dọa trả đũa, ông Biden chỉ đạo tiếp một cuộc tấn công nữa vào ngày 13-1 nói trên.
Mặc dù Mỹ vẫn giới hạn mục tiêu tấn công ở cơ sở hạ tầng, nhưng hành động lần này đánh dấu mức độ căng thẳng mới với Houthi. Giới quan sát nhận định Houthi sẽ không dừng lại. Trong khi đó, dù gặp nhiều chỉ trích với quyết định tấn công trên đất Yemen, chính quyền của ông Biden hiện cũng không còn nhiều lựa chọn ngoài việc phải tiếp tục hành động.
Trang Foreign Policy dẫn lời nhà nghiên cứu Thomas Juneau tại ĐH Ottawa (Canada) cho rằng Washington đang "đứng ở vị trí xấu". Ông nói: "Chắc chắn không có lựa chọn tốt nào cho Mỹ vào lúc này, nên thách thức nằm ở chỗ phải tìm tới một lựa chọn ít xấu nhất".
Áp lực chấm dứt chiến sự Gaza
Houthi dĩ nhiên không muốn bị coi là "phiến quân" hay "khủng bố" theo cách nói của Tổng thống Mỹ Biden. Được đánh giá là lực lượng vũ trang mạnh nhất nhì ở Trung Đông, tổ chức này đã nắm quyền kiểm soát đa số lãnh thổ Yemen ở vùng đông dân phía bắc và là một thế lực chính trị đầy tham vọng.
Trong một thập niên qua, Houthi đã khiến Saudi Arabia ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp đối thoại để mang lại ổn định ở Yemen. Việc này khiến người Saudi Arabia cũng khó xử khi thấy Mỹ tấn công Houthi trên đất Yemen. Đó cũng là lý do khiến luồng ý kiến phản đối ông Biden lo ngại Mỹ sẽ càng khiến Trung Đông thêm rắc rối.
Houthi nằm trong số các lực lượng được Iran bảo trợ, thuộc "trục kháng chiến" tại Trung Đông. Vì vậy, dù hoạt động độc lập, Houthi ít nhiều có sự liên kết với các nhóm vũ trang khác ở Lebanon, Iraq và Syria. Nói cách khác, Mỹ có thể động vào "ổ kiến lửa" dù họ không đối đầu trực tiếp với Iran.
Một lý do nữa khiến nhiều học giả và chuyên gia không muốn thấy Mỹ động vào Houthi ở Yemen là bởi họ xét tới tham vọng của Houthi và tương lai chiến sự Israel - Hamas.
Houthi đã tấn công Biển Đỏ dưới danh nghĩa ủng hộ người Hồi giáo Palestine, bao gồm Hamas. Nhưng Houthi cũng có lý do để "muốn" Mỹ trả đũa, vì đây sẽ là lúc tổ chức này phô trương thanh thế, giành lấy sự ủng hộ ở Yemen và khu vực. Vừa qua, khi thành phố Sanaa bị tấn công, hàng chục ngàn người Yemen đã xuống đường phản đối Mỹ và ủng hộ Houthi.
Trả lời báo chí quốc tế trong vài ngày qua, các chuyên gia nhìn chung cho rằng nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Trung Đông vẫn còn khá thấp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng Houthi và Mỹ buộc phải tiếp tục tấn công qua lại. Đây là điều không dễ dàng khi chính quyền Mỹ và Anh đều gặp chỉ trích vì rủi ro sa lầy ở Trung Đông.
Khi đã nắm được động cơ thực sự của Houthi, một số ý kiến cho rằng cách tốt nhất để ngăn tổ chức này là sớm tìm giải pháp cho tình hình Gaza, tức tước đi cái cớ của Houthi. Thách thức nằm ở chỗ Israel kiên quyết mất thêm ít nhất vài tháng cho tới khi hoàn thành mục tiêu tại Gaza.
Giá dầu tăng vì Houthi
Những cuộc tấn công của Houthi khiến các công ty lớn như Maersk và BP phải dừng đưa hàng qua Biển Đỏ, trong khi nhiều tàu chở dầu khác cũng bắt đầu chuyển hướng vào hôm 12-1. Theo Tổng thống Mỹ Biden, hơn 2.000 tàu đã phải đổi hành trình. Nghiên cứu của Viện Kiel cho thấy số container đi qua Biển Đỏ trong tháng 12-2023 đã giảm 70% so với mức thông thường.
Việc tàu chở hàng né tuyến Biển Đỏ có nghĩa họ phải đi vòng xa hơn 5.000 dặm (8.000km) qua châu Phi để tới được châu Âu. Điều này khiến chi phí vận chuyển tăng, làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Theo Financial Times, giá dầu đã tăng hơn 4% vào ngày 12-1, chạm mốc 80 USD/thùng (mức cao nhất tháng này).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận