28/10/2015 07:33 GMT+7

Mỹ đưa tàu USS Lassen tuần tra có tính toán

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TT - Liên quan vụ việc, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với ông 
Lê Văn Nghiêm - cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và truyền thông) - chiều 27-10.

Ông Lê Văn Nghiêm
- Ảnh: NVCC

* Xin ông bình luận về việc Mỹ điều tàu USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?

- Mỹ đã nắm rõ luật pháp quốc tế cho phép Mỹ thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không ở những khu vực trên.

Theo tôi được biết, Mỹ đã tham khảo ý kiến của rất nhiều luật sư, chuyên gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Họ tham mưu từ rất lâu rồi.

Họ cũng tham khảo và nhận được sự ủng hộ của các đồng minh và các nước bạn như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Philippines.

Ngoài ra, Mỹ cũng hiểu rằng tự do hàng hải không chỉ là quyền của Mỹ mà còn của tất cả các nước trên thế giới. Cho nên Mỹ làm việc này trước hết vì lợi ích của Mỹ, và cũng vì lợi ích của nhiều nước khác trên thế giới. Hành động của Mỹ đã giúp ngăn chặn yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

* Thưa ông, tại sao Mỹ lại chọn khu vực quanh bãi Su Bi và Đá Vành Khăn để tuần tra mà không phải là những khu vực khác?

- Mỹ chọn tuần tra sát các bãi Su Bi, Đá Vành Khăn và Gia Ven vì có sự đồng thuận của các học giả lớn trên thế giới. Ba vị trí này là bãi cạn, nó chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên cao chứ không phải là đảo đá gì cả.

Trong hồ sơ của Philippines kiện Trung Quốc, Philippines cũng nói là ba vị trí này là bãi cạn, không phải đảo đá. Ba vị trí này dù Trung Quốc xây đảo nhân tạo cũng có hành lang an toàn tối đa là 500m.

Chiếu theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ đuối lý nếu như họ phản đối hành động của Mỹ. Cuộc này giống như cuộc phân xử trước công luận quốc tế, trong đó Trung Quốc rõ ràng đuối lý.

* Hoạt động tuần tra của tàu Mỹ có lợi gì cho các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam?

- Hành động này của Mỹ có lợi cho các nước trên thế giới nói chung và các nước ở Đông Nam Á nói riêng. Đó là ngăn chặn việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo.

Rõ ràng, Trung Quốc thực thi yêu sách chủ quyền trái phép, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và bây giờ lại đòi chiếm vùng biển phụ cận xung quanh đảo nhân tạo nữa. Bây giờ họ đòi vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo.

Sau khi đòi được 12 hải lý rồi thì họ lại đòi tiếp 200 hải lý (vùng đặc quyền kinh tế). Nghĩa là họ lộ rõ ý đồ muốn chiếm hết biển của các nước xung quanh rồi. Mỹ làm điều này buộc Trung Quốc phải xem lại yêu sách phi lý đòi vùng biển cho các đảo nhân tạo.

Chủ quyền và vùng biển của Việt Nam là ở đó chứ tại sao là của Trung Quốc được. Sau này luật pháp sẽ phân xử vùng nào là của Philippines, vùng nào là của Việt Nam, và vùng nào là vùng biển quốc tế.

* Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng việc Mỹ đưa tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là quá trễ vì Trung Quốc đã xây xong đảo nhân tạo và được cho là đã quân sự hóa các đảo này. Ý kiến của ông như thế nào?


Bản đồ khu vực tàu Mỹ đi tuần tra - Nguồn: AMTI, Đồ họa: Tấn Đạt

- Tất nhiên là hành động của Mỹ và các nước trên thế giới ngăn chặn được việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ngay từ đầu là tuyệt vời. Nhưng mọi chuyện đã rồi. Việc Mỹ đưa tàu hải quân đến tuần tra sẽ có tác dụng ngăn chặn những bước đi tiếp theo của Trung Quốc.

Khi có sự giám sát thường xuyên, cộng đồng quốc tế sẽ biết được Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo hay chưa, qua đó góp phần ngăn hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Do đó, theo tôi, hành động của Mỹ đã ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc chiếm hết quần đảo Trường Sa.

* TS Trần Công Trục (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ):

Mỹ hành động hợp pháp

Việc đưa tàu USS Lassen đi tuần tra là một tín hiệu rất tốt, thể hiện sự quyết tâm của Mỹ về việc bảo đảm thượng tôn pháp luật cũng như tự do an ninh hàng hải hàng không ở Biển Đông.

Theo luật pháp quốc tế, các thực thể mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo lên chỉ có vùng an toàn 500m tính từ các thực thể này. Do đó việc Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý (22km) của các đảo nhân tạo này là điều hoàn toàn hợp pháp vì đây là vùng biển quốc tế.

Dĩ nhiên chúng ta không mong muốn có đụng độ trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng chúng ta hoan nghênh việc các nước hành động theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung của các nước.

Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng về mặt ngoại giao nhưng khó khăn xảy ra đụng độ trên biển.

Có hai lý do chính về việc Trung Quốc không muốn đụng độ: một là Trung Quốc tự lượng sức mình, họ biết lực lượng hải quân của mình không thể so sánh với Mỹ; hai là Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để phản đối hành động của Mỹ.

Hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của họ không những vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế mà còn từ nhiều người dân, chuyên gia trong nước họ.

Tôi nghĩ những học giả, chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về các đảo nhân tạo đều hiểu rằng hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là trái phép.

* GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc):

Lẽ ra phải làm từ năm 2014

Sự tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ theo tôi là quá trễ. Lẽ ra Mỹ phải làm chuyện này từ năm 2014 khi có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực xây đảo nhân tạo.

Việc Mỹ tuần tra sẽ không ngăn Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc vẫn đủ thời gian quân sự hóa các đảo nhân tạo này để phục vụ mục đích của họ.

Theo tôi, sắp tới Trung Quốc sẽ tung thông tin và tiến hành các chiến dịch pháp lý để cố gắng ngăn Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. Những chiến dịch này sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực với mục tiêu khiến các quốc gia này lo ngại rằng hành động của Mỹ đang gây bất ổn trong khu vực.

Tôi nghĩ Mỹ phải thay đổi lập trường không đứng về phía nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ phải cứng rắn trong việc bảo đảm nguyên trạng ở Biển Đông và phản đối các hành động đơn phương có hậu quả mang tính chiến lược.

Mỹ phải tham gia với Philippines để bảo đảm các ngư dân Philippines có thể trở lại bãi cạn Scarborough. Lính thủy quân lục chiến Mỹ nên tham gia với binh sĩ Philippines ở bãi cạn James do Philippines tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc lại đưa các tàu bán quân sự đổ bộ lên.

Nói theo cách khác, Mỹ phải thực hiện các chiến lược để phục hồi nguyên trạng và ngăn chặn các âm mưu thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc.

* Gs Zach Abuza (Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ):

Sẽ không có xung đột quân sự

Quan điểm của tôi là những hành động bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông lẽ ra nên tiến hành ngay từ lúc Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo vì ai cũng biết rõ những đảo này không có căn cứ pháp lý.

Do đó, Mỹ phải thường xuyên có những động thái như việc tuyên bố triển khai tàu khu trục vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc như ngày 27-10 (giờ Việt Nam).

Tôi cho rằng Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Họ lo lắng nếu nhượng bộ Mỹ thì người dân trong nước sẽ phản ứng mạnh vì như bạn biết người dân Trung Quốc có chủ nghĩa dân tộc rất mạnh mẽ.

Nhưng nếu Trung Quốc tham gia vào xung đột quân sự với Mỹ và thua, thậm chí chỉ là trong một cuộc đụng độ nhỏ, sự chính đáng và tất cả những mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực theo đuổi sẽ bị giáng một đòn nặng nề. Do đó tôi cho rằng sẽ không có xung đột quân sự trong tương lai gần.

Hành động xây đảo của Trung Quốc trong những năm vừa qua đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Một số nhân vật trong giới lãnh đạo của Bắc Kinh cũng thừa hiểu rằng Trung Quốc đang định nghĩa luật quốc tế theo cách của riêng họ.

 

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên