Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ - Ảnh: US Navy
Ngày 2-11, báo South China Morning Post dẫn thông tin từ trung tâm nghiên cứu Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc cho biết Mỹ đã đưa máy bay do thám đến Biển Đông vài tuần sau sự cố tàu hạt nhân USS Connecticut.
Theo hình ảnh vệ tinh do trung tâm này cung cấp, các máy bay bao gồm 1 chiếc WC-135 Constant Phoenix, 1 máy bay trinh sát E-8C, 2 máy bay tuần tra P-8A và 1 chiếc EP-3E.
Trong đó, chiếc WC-135 Constant Phoenix là loại máy bay thường dùng để dò phóng xạ sau các vụ nổ hạt nhân.
"Chiếc WC-135 hiếm khi vào khu vực Biển Đông. Lần cuối nó hoạt động tại khu vực này là vào tháng 1-2020", SCSPI cho biết.
Nhà phân tích Ridzwan Rahmat của tạp chí quân sự Janes cho rằng việc triển khai chiếc WC-135 Constant Phoenix là nhằm kiểm tra liệu có xảy ra rò rỉ hạt nhân hay không.
Trong khi đó, nhà bình luận quân sự Song Zhong Ping của Hong Kong nói rằng: "Nếu đó là thật, nó cho thấy vụ va chạm thật sự nghiêm trọng đến mức khiến Mỹ lo ngại và đưa máy bay đến thu thập thông tin". Hoặc ngược lại, theo ông Song, cũng có thể Mỹ lo ngại Trung Quốc thử hạt nhân tại khu vực này.
Ngày 1-11, các nhà điều tra của Hải quân Mỹ kết luận chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của họ va vào một núi ngầm dưới biển chứ không phải vật thể bí ẩn như đồn đoán. Con tàu gặp sự cố này ở Biển Đông vào ngày 2-10 và bị hư hỏng.
"Cuộc điều tra đã xác định tàu USS Connecticut mắc kẹt trên một vỉa núi phẳng khi hoạt động tại vùng biển quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", Hạm đội 7, hạm đội tiền duyên lớn nhất của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xác nhận.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Washington "vô trách nhiệm" khi không làm rõ vị trí xảy ra vụ việc cũng như mục đích con tàu xuất hiện tại đây. Truyền thông Trung Quốc cũng tham gia cáo buộc Mỹ che giấu sự thật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận