Sau Tân Cương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang chuyển hướng vào Tây Tạng - Ảnh: REUTERS
Ban thiền Lạt Ma là người có vị trí quan trọng thứ hai trong Cách Lỗ phái của Phật giáo Tây Tạng và chỉ đứng sau Dalai Lama. Phật giáo Tây Tạng có 4 phái, trong đó Cách-lỗ phái được biết đến nhiều nhất khi người đứng đầu và thứ hai phái này lãnh đạo cả giáo quyền lẫn thế quyền ở Tây Tạng.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc lập tức công khai nơi ở của Ban thiền Lạt Ma và thượng tôn hiến pháp, các cam kết quốc tế để thúc đẩy tự do tôn giáo cho tất cả mọi người", ông Pompeo nhấn mạnh ngày 18-5.
Theo Hãng tin Reuters, Ban thiền Lạt Ma mà Ngoại trưởng Mỹ nhắc đến là Gedhun Choekyi Nyima. Năm 1995, Gedhun Choekyi Nyima khi đó mới 6 tuổi, đã được Đức Dalai Lama thứ 14 - người đang sống lưu vong ở nước ngoài, tuyên xưng là Ban thiền Lạt Ma thứ 11.
Tuy nhiên, Gedhun Choekyi Nyima mất tích chỉ một thời gian ngắn sau đó và hoàn toàn biệt tăm biệt tích cho đến nay khiến các tổ chức nhân quyền nghi ngờ vị Ban-thiền Lạt Ma thứ 11 đã bị chính phủ Trung Quốc bắt cóc.
Cuối năm 1995, Bắc Kinh chọn một người khác tên là Gyaltsen Norbu làm Ban thiền Lạt Ma thứ 11. Vị này đã xuất hiện công khai một vài lần nhưng không được người Tây Tạng công nhận là lãnh đạo tinh thần, Reuters cho biết thêm.
"Phật tử Tây Tạng, giống như thành viên của tất cả các cộng đồng tín ngưỡng, phải có khả năng lựa chọn và tôn sùng các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ theo truyền thống của họ và không có sự can thiệp của chính phủ", Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi ngày 18-5.
Gyaltsen Norbu (giữa), người được chính phủ Trung Quốc tuyên xưng là Ban thiền Lạt Ma thứ 11, trong một cuộc họp ở Bắc Kinh năm 2014 - Ảnh: AFP
Trong Cách Lỗ phái, Dalai Lama được xem là hóa thân của Quán Thế âm bồ tát, còn Ban thiền Lạt Ma là hóa thân của Phật A di đà.
Sam Brownback, Đại sứ Mỹ vì tự do tôn giáo quốc tế, hồi tuần trước đã cảnh báo Bắc Kinh không nên lặp lại chuyện Ban thiền Lạt Ma với Dalai Lama. Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố họ sẽ chọn người kế vị Dalai Lama thứ 14 năm nay đã 84 tuổi.
Lần cuối cùng người ta nghe thấy Ban-thiền Lạt Ma thứ 11 bị mất tích là vào năm 2015. Một quan chức Trung Quốc khi đó cho biết Gedhun Choekyi Nyima vẫn khỏe mạnh, thích đọc sách vở và "không muốn bị quấy rầy".
Hiện Trung Quốc vẫn chưa lên tiếng về yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh xem Tây Tạng là một phần lãnh thổ của nước này và thường phản ứng giận dữ khi các nước tiếp đón Đức Dalai Lama thứ 14, cựu lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận