Hành khách đeo khẩu trang xếp hàng chờ qua cổng an ninh trước khi lên máy bay đi nghỉ dịp lễ Tạ ơn năm nay tại sân bay ở Denver, bang Colorado, Mỹ ngày 24-11 - Ảnh: REUTERS
Báo New York Times đã dùng tít bài "Đêm dài trước bình minh" để chỉ ra nỗi ám ảnh về ba tháng tới đây "sẽ rất kinh khủng", ngay cả khi nước Mỹ đang ở rất gần hai vắc xin phòng COVID-19 khả dụng và sắp có một chính quyền mới cùng chiến lược kiểm soát dịch quyết liệt, rõ ràng hơn.
Một tháng bằng một năm
Giới chuyên gia y tế cảnh báo trong tháng cuối cùng của năm 2020, nước Mỹ sẽ còn tiếp tục chứng kiến những con số "phá kỷ lục" nữa về dịch bệnh COVID-19.
"Chúng ta vẫn đang trong xu thế tiếp tục tốc độ gia tăng của đại dịch và chứng kiến tốc độ tăng ca bệnh, thậm chí nhanh hơn do các hoạt động trong nhà, các hoạt động trên toàn quốc và do một số lượng lớn người dân đã di chuyển khắp nước trong kỳ nghỉ", báo New York Times dẫn nhận định của ông Tom Inglesby - giám đốc Trung tâm an toàn sức khỏe tại ĐH Johns Hopkins.
Hàng triệu người Mỹ vẫn quyết định "xách balô lên và đi" trong dịp lễ Tạ ơn cuối tuần qua, bất chấp lời khẩn cầu của giới chuyên gia và quan chức y tế. Các cửa hàng, siêu thị vẫn đông nghẹt người tới săn hàng giảm giá trong dịp Black Friday, bất chấp giới doanh nghiệp đã tăng cường chỉ dẫn hoạt động mua sắm online.
Kết quả là lúc này trung bình mỗi ngày nước Mỹ có hơn 17.000 người dương tính với virus corona. Chỉ riêng trong tuần qua, hơn 1,1 triệu người mắc mới COVID-19. Tính tới chiều 1-12 giờ Việt Nam, theo Worldometers, Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới với gần 14 triệu ca.
Nhiều bệnh viện ở Mỹ hiện đã quá tải và đang chật vật ứng phó với số người bệnh nhập viện ngày càng tăng. Sức ép với hệ thống y tế chắc chắn chỉ tăng chứ không giảm trong thời gian tới. Các chuyên gia y tế, trong đó có bác sĩ Anthony Fauci, đã cảnh báo mọi thứ thậm chí còn có thể tồi tệ hơn nữa sau lễ Tạ ơn.
"Khi bước vào hai tuần tới đây của tháng 12, chúng ta có thể chứng kiến mức tăng thêm nhiều hơn nữa so với mức tăng hiện nay" - bác sĩ Fauci bày tỏ lo ngại trên Đài NBC.
Theo Đài CBS, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) dự đoán tới giữa tháng 12, tổng số người chết vì COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 321.000 người, hiện là gần 275.000 người.
Chờ đợi gì từ các vắc xin?
Giữa những thông tin u ám về đại dịch, công chúng Mỹ cũng như dư luận thế giới vẫn đang rất hi vọng về một thời điểm không còn xa nữa các vắc xin khả dụng được cấp phép triển khai.
Ngày 30-11, Hãng dược Moderna thông báo đã nộp đơn xin Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) cấp phép dùng trong điều kiện khẩn cấp với vắc xin COVID-19 của họ, sau khi các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy hiệu quả phòng bệnh đạt 94%.
Trước đó, ngày 20-11, hai hãng Pfizer và BioNTech cũng đã nộp đơn xin FDA cấp phép dùng khẩn cấp với vắc xin COVID-19 của họ. Yêu cầu của Pfizer/BioNTech sẽ được FDA xem xét và ra quyết định vào ngày 10-12, rất có thể được phê chuẩn nhanh chóng sau đó.
Chỉ cần được FDA cấp phép, các vắc xin dự kiến được triển khai ngay từ giữa tháng 12 này và nhân viên chăm sóc y tế sẽ thuộc nhóm đầu tiên được ưu tiên tiêm vắc xin.
Nhưng ngay cả khi hai vắc xin của Moderna và Pfizer, cũng như loại vắc xin tiềm năng thứ ba của AstraZeneca và Oxford phát triển, được chứng minh mang lại hiệu quả như kỳ vọng, giới chuyên môn vẫn cảnh báo sự thật: chỉ vắc xin thôi là không đủ để chấm dứt đại dịch COVID-19.
Truyền thông Mỹ cũng như các chuyên gia trong ngành đều khẳng định vai trò không thể tách rời và quan trọng không kém vắc xin trong cuộc chiến hướng tới chấm dứt đại dịch là thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Ông Trump được ghi công
Chương trình tăng tốc tìm kiếm vắc xin COVID-19 cho nước Mỹ có tên "Operation Warp Speed" của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đầu tư hơn 12 tỉ USD cho sáu ứng cử viên vắc xin COVID-19 được phát triển trên ba công nghệ mới và các liệu pháp điều trị kháng thể khác.
Đài CNN, một đài vẫn thường có nhiều quan điểm đối lập với ông Trump, cũng đã sòng phẳng "ghi công" cho ông vì những thành tựu đột phá trong nghiên cứu vắc xin COVID-19. Giữa tháng 11, Đài CNN đăng bài bình luận của ông Kent Sepkowitz - chuyên gia phân tích y khoa của đài, cũng là bác sĩ và chuyên gia kiểm soát lây nhiễm tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan - Kettering ở New York, Mỹ.
Trong đó, chuyên gia này viết: "Là một người vẫn rất chê trách cách xử lý đại dịch của Tổng thống Trump, có lẽ tôi vẫn sẽ nói cảm ơn ngài tổng thống. Ông đã làm một việc tốt khi cho phép dùng ngân sách đổ vào giải quyết một cuộc khủng hoảng quốc gia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận