31/10/2013 07:00 GMT+7

Mỹ đáp trả về do thám: Tình báo châu Âu cung cấp

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Bức tranh về chương trình do thám khổng lồ của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có bước ngoặt bất ngờ trong cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ.

nm1Y2JN8.jpgPhóng to
Tướng Keith Alexander và ông Clapper (thứ hai và ba từ trái sang) trong buổi điều trần ngày 29-10 - Ảnh: Reuters

Xuất hiện tại Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 29-10, lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ nói thực tế chính cơ quan tình báo các nước châu Âu đã cung cấp thông tin các cuộc gọi cho Washington hơn là NSA theo dõi công dân của các nước.

Tất cả đều hợp luật

Trong phiên điều trần, giám đốc NSA, tướng Keith Alexander giải thích rằng các thông tin ở châu Âu được tiết lộ đến giờ không phải do NSA hay cơ quan tình báo Mỹ theo dõi. “Khẳng định của các phóng viên ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý rằng NSA thu thập hàng triệu cuộc gọi là sai hoàn toàn - tướng Alexander nói - Nói cho rõ, chúng tôi không thu thập thông tin này của người châu Âu”.

Thực tế việc theo dõi điện thoại ở các nước được tiết lộ đến giờ là trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước trong khối NATO “để bảo vệ các nước và hỗ trợ các chiến dịch quân sự”. Theo lời ông, các cơ quan tình báo châu Âu đã chia sẻ thông tin này với NSA và cho đến nay NSA là cơ quan giơ đầu chịu báng trước các chỉ trích để bảo vệ mối quan hệ giữa các cơ quan tình báo. Ông khẳng định những gì NSA làm đều nằm trong khuôn khổ đạo luật về do thám thông tin tình báo nước ngoài (FISA) từ năm 1978.

Đây là bước ngoặt lớn khi trước đó NSA bị coi là lực lượng đã theo dõi hàng chục triệu cuộc gọi điện ở Pháp và Tây Ban Nha. Tiết lộ mới sẽ gây khó cho các nhà lãnh đạo châu Âu - những người từng chỉ trích kịch liệt chương trình do thám của NSA. Thông tin này cũng đặt giả thiết là không phải tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu đều nắm hết về các chương trình tình báo của nước mình.

Phía Pháp và Tây Ban Nha đều từ chối bình luận về thông tin mới này. Một quan chức Tây Ban Nha cho biết họ phối hợp với NSA trong khuôn khổ hợp tác chống các nhóm Hồi giáo ở Mali, Afghanistan và một số chiến dịch quốc tế nhất định.

Nhưng thông tin về việc các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ, bị nghe lén đến giờ vẫn là chuyện nhức nhối (riêng biệt với vụ nghe lén điện thoại của công dân). Các quan chức tình báo Mỹ dù vậy nhấn mạnh sự phức tạp của quan hệ tình báo - khi các nước vừa hợp tác và vừa cạnh tranh với nhau. Báo Wall Street Journal trích lời ông James Lewis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói thực tế chuyện NSA hay Mỹ theo dõi “là thông thường” trong quan hệ quốc tế.

Những khoảng tối

Ông James Clapper, giám đốc chương trình tình báo Chính phủ Mỹ, khẳng định việc các đồng minh cũng theo dõi Washington là chuyện “đương nhiên”. Khi được hỏi tại sao Quốc hội không được thông báo về chuyện Mỹ theo dõi các nhà lãnh đạo khác, ông Clapper nói Quốc hội sẽ không được thông báo về mọi “đối tượng” mà họ theo dõi.

Theo ông Clapper, việc thông tin “kế hoạch và ý định” của các nhà lãnh đạo trên thế giới là yêu cầu tiêu chuẩn đối với mọi cơ quan tình báo và theo ông, cách tốt nhất để hiểu ý định của họ là theo dõi các liên lạc của họ.

Ông Clapper giải thích rằng Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) thực tế đã được báo về chương trình do thám ở nước ngoài. Ông không nói trực tiếp rằng Tổng thống Obama biết về các việc này nhưng ngầm ám chỉ rằng Nhà Trắng biết các thông tin.

Cả ông và giám đốc NSA, tướng Keith Alexander, phản đối kịch liệt thông tin cho rằng họ làm việc tự tung tự tác mà không chịu sự quản lý gì. Cả hai ông đều nói các thông tin về lãnh đạo các nước luôn là nền tảng cho hoạt động tình báo Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Đó là những nguồn tin vô giá để xác định các nước định làm gì đối với Mỹ và các nước, kể cả là đồng minh, cũng đều theo dõi Washington. “Đó là một trong những điều đầu tiên tôi học ở trường tình báo từ năm 1963 - Đó là điều rất nền tảng” - ông Clapper nhấn mạnh.

Phát biểu ở hậu trường, các quan chức tình báo cũng phủ nhận thông tin rằng Nhà Trắng hay các cố vấn hàng đầu không biết thông tin về chuyện theo dõi các nhà lãnh đạo này. “Khi có báo cáo nói nhà lãnh đạo của một nước chuẩn bị nói điều X hay Y thì anh nghĩ thông tin đó có từ đâu?” - một quan chức nói.

“Đương nhiên, có những trường hợp chúng tôi có những sai lầm”, ông Clapper thừa nhận và nói giới tình báo sẵn sàng hợp tác với Quốc hội để giải quyết bất cứ vấn đề nào. Dù bị báo giới và dư luận chỉ trích kịch liệt, Quốc hội Mỹ có vẻ không quá nặng nề với giới tình báo. Cả ông Clapper và tướng Alexander đều có được sự hậu thuẫn của Ủy ban Tình báo Hạ viện khi chủ tịch Mike Rogers nói ông khó chịu với những lời phê phán - đặc biệt là các tin tức từ châu Âu về hoạt động của NSA. “Đây là lúc cần sự lãnh đạo, không phải là lúc để xin lỗi”, ông Rogers kết luận.

Theo giới truyền thông, Nhà Trắng về cơ bản đã đồng ý sẽ kiềm chế hoạt động theo dõi của NSA. Reuters cho biết Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho NSA hạn chế chương trình nghe lén ở văn phòng Liên Hiệp Quốc tại New York. Cho đến nay quy mô của chương trình nghe lén của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vẫn chưa rõ ràng và hiện không biết mức độ dừng nghe lén của Mỹ sẽ là ở mức quy mô nào.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên