Động thái của Mỹ được giới quan sát mô tả là loạt pháo đầu tiên mở màn chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Donald Trump, trong đó xác định Trung Quốc là "đối thủ chiến lược".
Điểm qua thời sự, sự kiện thu hút nhiều quan tâm trong tuần này là chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đến hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam.
Tại Jakarta, ông Mattis ca ngợi Indonesia là "điểm tựa hàng hải của Ấn Độ - Thái Bình Dương", và đáng chú ý - ông tuyên bố Mỹ ủng hộ một quyết định hồi năm ngoái của Jakarta đổi tên vùng biển Trung Quốc đang tranh giành gần quần đảo Natuna thành "Biển Bắc Natuna".
Vùng biển giàu năng lượng nói trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia nhưng lại bị Bắc Kinh khoanh luôn vào "đường lưỡi bò" khét tiếng.
Chuyến thăm Indonesia của ông Mattis được Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả là "cực kỳ thành công". Màn trình diễn võ thuật và uống máu rắn của các binh sĩ Indonesia có vẻ gây được nhiều ấn tượng với ông chủ Lầu Năm Góc và truyền thông phương Tây, phần nào nó thể hiện sự trọng đãi của nước chủ nhà dành cho vị khách quan trọng.
Bộ trưởng Mattis (phải) và người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu tại Jakarta ngày 23-1 - Ảnh: REUTERS
Sang đến Hà Nội, Bộ trưởng Mattis đã thảo luận chủ đề tự do hàng hải ở Biển Đông với các nhà lãnh đạo Việt Nam và dọn đường cho chuyến thăm cảng Đà Nẵng của một tàu sân bay Mỹ trong tháng 3 tới. Nếu kế hoạch được chốt lại, đây sẽ là chuyến thăm mang tính lịch sử trong quan hệ Việt - Mỹ hậu chiến tranh.
Tôi cảm ơn ngài vì mối quan hệ đối tác được nâng tầm, với sự kiện tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng trong tháng 3"
Hãng tin Reuters dẫn lời bộ trưởng Mattis nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Được biết, các kế hoạch hợp tác Việt - Mỹ đã được thảo luận từ cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng hồi tháng 5-2017, tiếp nối là cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Mattis và người đồng cấp Ngô Xuân Lịch tại Washington vào tháng 8-2017.
Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh là quan chức Việt Nam cao cấp nhất từng thăm tàu sân bay Mỹ. Ông dẫn đầu phái đoàn 11 người đặt chân lên boong hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ngoài khơi miền nam California hồi tháng 10-2017.
Dù kể từ sau năm 1975 chưa từng có tàu sân bay Mỹ nào đến Việt Nam, một số chiến hạm nhỏ hơn đã thực hiện các chuyến thăm cấp cao những năm gần đây, trong đó bao gồm chuyến thăm của tàu tiếp vận cho tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đến Cam Ranh năm 2016.
Chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Yusof Ishak (Singapore) đánh giá kế hoạch thăm Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ sẽ là "biểu tượng" cho hướng phát triển của quan hệ quốc phòng hai nước.
Tàu sân bay USS Carl Vinson từng thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông - Ảnh: REUTERS
Trước chuyến công du của Bộ trưởng Mattis đến khu vực, Mỹ đã gửi đến Trung Quốc một tín hiệu mạnh. Ngày 20-1, trong khuôn khổ "Chiến dịch tự do hàng hải" (FONOPs), Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Hopper đi vào phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn Scarborough do Trung Quốc chiếm đóng.
Các nhà phân tích an ninh lâu nay luôn đánh giá bãi cạn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là điểm nóng có nguy cơ bùng phát ở Biển Đông.
Nằm trong dự báo, Bắc Kinh lập tức phản ứng với cáo buộc Mỹ vi phạm "chủ quyền lãnh thổ" bất chấp việc Tòa trọng tài The Hague giữa năm 2016 từng ra phán quyết đây chỉ là ngư trường đánh bắt cá bình thường.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn mạnh miệng kêu gọi tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông để chống lại "dã tâm FONOPs" của Mỹ.
"Trong hoàn cảnh hòa bình và hợp tác như hiện nay, hành động khiêu khích bừa bãi của một tàu chiến Mỹ thiếu suy nghĩ đến mức liều lĩnh" - tờ Nhân Dân Nhật Báo liên tiếng chỉ trích.
"Nếu bên liên quan gây rối thêm một lần nữa vì chuyện không đâu, họ chỉ khiến Trung Quốc đi đến kết luận: Để bảo vệ hòa bình ở Biển Đông, Trung Quốc cần tăng cường và xây dựng năng lực ở Biển Đông" - tờ báo Trung Quốc tiếp tục đe dọa.
Ngư dân Philippines đi ngang qua một tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough - Ảnh: REUTERS
Với tất cả những biểu hiện trên, Washington rõ ràng bất an về dấu ấn quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ có nhiều lý do để sợ rằng Trung Quốc sẽ sớm liên kết bãi cạn Scarborough với hệ thống tiền đồn quân sự chằng chịt trên khắp Biển Đông và từ đó tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Nếu Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên Scarborough thì hệ quả sẽ rất lớn, không chỉ khu vực mà còn đối với Mỹ. Bãi cạn này nằm ở vị trí chiến lược, chỉ cách căn cứ Subic và Clark của Mỹ ở Philippines hơn 100 hải lý.
Dưới thời ông Donald Trump, Lầu Năm Góc được tăng cường sức mạnh đáng kể để đối phó với Trung Quốc. Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump cho phép Bộ chỉ huy Thái Bình Dương tiến hành các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông mà không cần xin phép trước.
Đó là một "không gian" khá rộng rãi và thoái mái để xoay trở. Trong Chiến lược Quốc phòng mới của Lầu Năm Góc, Trung Quốc bị mô tả là "nước cạnh tranh chiến lược (với Mỹ), chuyên dùng đòn kinh tế đe dọa láng giềng để tiện tay quân sự hóa Biển Đông".
Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc muốn chiếm thế bá quyền ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương về ngắn hạn và hất Mỹ để chiếm vị trí thống lĩnh toàn cầu trong tương lai.
Và như vậy, bước sang năm thứ hai của triều đại Donald Trump, nước Mỹ đã xác định được mối quan tâm chiến lược chính ở châu Á. Dự báo gió sẽ nổi lên ở Biển Đông trong năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận