Bộ trưởng các nước tại trụ sở Europol, Hà Lan Ảnh: AFP |
Reuters cho biết đây là một phần trong nỗ lực của liên minh không kích chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố dựa trên nguồn tài chính dồi dào của tổ chức thánh chiến này.
Cân nhắc thương vong khi không kích nơi cất tiền
"Địa điểm phân phối tiền mặt lớn được sử dụng bởi IS để phân phối tiền tài trợ cho các hoạt động khủng bố" - phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ Ben Tisdale cho biết.
Trong khi đó CNN dẫn lời các quan chức quốc phòng giấu tên Mỹ cho biết tòa nhà trữ tiền của IS tại Mosul bị phá hủy bởi 2 trái bom nặng 907 kg.
Các quan chức trên không nói chính xác có bao nhiêu tiền hoặc bao nhiêu loại tiền tệ bên trong tòa nhà này nhưng cho biết số tiền lên đến "hàng triệu" USD.
Ngoài ra các quan chức cũng không cho biết làm thế nào Mỹ biết về nơi cất tiền của IS.
Tuy nhiên CNN đưa tin sau khi nắm được thông tin tình báo về "điểm phân phối và tập trung tiền tệ", máy bay không kích và trực thăng không người lái của Mỹ đã giám sát địa điểm này trong nhiều ngày để xác định thời điểm nào có ít thường dân trong khu vực này nhất.
Các quan chức cho biết Mỹ quyết định tiến hành cuộc không kích trên vào bình minh bởi người dân thường ở gần tòa nhà này trong cả ngày còn IS thì làm việc tại đây vào ban đêm.
Bộ Chỉ huy Mỹ ước tính thiệt hại có thể lên đến 50 người thương vong và Bộ chấp nhận con số này bởi đây là một mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên thống kê sau cuộc đánh bom tại nơi trữ tiền của IS thì chỉ có 5-7 người thiệt mạng.
Trong vài tuần gần đây Mỹ cho biết nước này đánh giá từng trường hợp không kích cụ thể và số thương vong có thể chấp nhận được đối với các mục tiêu quan trọng.
Quốc tế kêu gọi chia sẻ thông tin tình báo
Trong khi đó tại Diễn đàn Chống Khủng bố Toàn cầu (GCTF) và Liên minh toàn cầu Chống IS tại the Hague, Hà Lan, ngày 11-1, bộ trưởng các nước tuyên bố các quốc gia trên thế giới phải chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn các tổ chức cực đoan thâm nhập qua biên giới và dùng Internet lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Didier Reynders thừa nhận cần phải làm nhiều hơn nữa sau cuộc tấn công khủng bố Paris do một người mưu sinh gốc Bỉ cầm đầu.
"Những gì chúng ta đối mặt ngày hôm nay là chủ nghĩa khủng bố 2.0. Giống như một con virút, nó thích nghi để sống sót và hồi phục nhanh hơn" - bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders phát biểu khai mạc hội nghị có sự tham gia của hơn 50 quốc gia toàn cầu.
Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Harlem Desir cũng cho biết sự hợp tác là rất quan trọng.
"Ngày nay toàn thể cộng đồng quốc tế cần phải làm việc cùng nhau để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố. Phải có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề tình báo, tư pháp và hợp tác giữa cảnh sát các nước" - ông Desir nhận định.
Tuy nhiên ông Koenders khẳng định rằng "sự tin cậy lẫn nhau" là chìa khóa quan trọng nhất mà hội nghị cần phải xác định cách thức để các quốc gia và các tổ chức như Europol và Interpol phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận