04/10/2016 08:15 GMT+7

Mỹ đang ứng xử ra sao với ông Duterte?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Cách ứng xử hiện nay là "giả vờ không biết, không nghe, không thấy" trước những phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc họp báo tại Davao hồi tháng 8-2016 - Ảnh: Reuters

Các quan chức Mỹ đang cố hết sức nhịn để cho qua những lời lẽ khó nghe của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Thêm vào đó họ vẫn tiếp tục theo dõi đánh giá tình hình do trên thực tế vị lãnh đạo chính quyền Manila chưa áp dụng các tuyên bố của mình vào việc gia giảm hợp tác quân sự hai nước.

Theo Reuters, hôm qua (3-10), các quan chức Mỹ thừa nhận Washington đang cố gắng không để cho tân Tổng thống Philippines, người gần đây đã gây sốc cho thế giới khi so sánh mình với Hitler rồi sau đó lại xin lỗi cộng đồng Do thái, có thêm cái cớ nào để có thể "tức nước vỡ bờ" trong bối cảnh đang có áp lực về quan hệ quân sự và các hợp tác khác giữa hai nước.

Hai quan chức Mỹ nhận định với Reuters rằng nếu đấu khẩu căng thẳng với Manila trong thời điểm này thì "sẽ tạo ra những vấn đề trong một khu vực" khi mà Trung Quốc đã phát triển ngày càng mạnh mẽ. Do vậy sẽ không có cuộc thảo luận nghiêm túc nào về bước trừng phạt Philippines như cắt viện trợ chẳng hạn.

"Ông ấy hành xử giống như ông Trump", một quan chức cao cấp của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á so sánh ông Duterte với ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Ông ấy thích gây chú ý. Nếu mình càng chú ý thì ông ấy có thể càng thái quá hơn. Vậy nên cách khôn ngoan nhất là lờ ông ta đi".

Các quan chức Mỹ thừa hiểu qua những phát ngôn vừa qua về quan hệ với Mỹ và "đường lối ngoại giao độc lập", tổng thống Duterte muốn xoáy vào cảm xúc chống thực dân của người Philippines với ký ức về thời bị đô hộ, cho nên không muốn phản ứng đáp trả hay làm bất cứ điều gì để có thể khuyến khích ông Duterte để biến lời nói của mình thành hiện thực.

Trong phát ngôn mới nhất của mình liên quan đối ngoại, hôm 2-10, Tổng thống Duterte lại lấp lửng về chuyện nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và từ một quan chức giấu tên của Trung Quốc sau khi ông càm ràm chuyện bị Washington chèn ép.

Nổ như pháo

Các quan chức quân sự Mỹ trong khi đó cho biết đã ghi nhận rõ những tuyên bố của ông ​​Duterte, nhưng các đối tác quân sự của họ ở Philippines lại trấn an rằng việc hợp tác vẫn tiếp tục như bình thường.

"Chẳng ai thực sự là mất ngủ vì nó", một quan chức quốc phòng Mỹ (giấu tên) tiết lộ với hãng tin Reuters.

Một quan chức quốc phòng khác nói với Reuters rằng "ông ấy chỉ ưa nổ" và những nhận xét của ông Duterte "chẳng làm chết ai".

Chẳng hạn như tuyên bố đòi rút các cố vấn quân sự Mỹ khỏi miền nam Philippines. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết ông chưa nghe thấy bất kỳ kế hoạch cụ thể nào để rút lực lượng này ra sau phát biểu của ông Duterte.

Một vấn đề gây trở ngại khác là hơn 3.100 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte trong mấy tháng qua. Các quan chức Mỹ không thể bỏ lơ xét theo các tiêu chuẩn nhân quyền của phương tây, nhưng xem ra họ chưa có những phát ngôn rõ ràng do đang cân nhắc với mối quan hệ quân sự lâu dài với Philippines.

Ông Frank Jannuzi, giám đốc Quĩ Maureen và Mike Mansfield bình luận hóm hỉnh: "Đôi khi bạn phải bịt mũi đối với một số cá nhân để thương lượng với các nước"

Vị cựu chuyên gia từng làm việc tại Ủy ban Thượng viện Mỹ mảng châu Á cho rằng "Mỹ chưa dám từ bỏ Philippines, nên phải tìm cách để đối phó với nhà lãnh đạo cực kỳ khó chịu này (ông Duterte) trong khi vẫn truyền đạt được sự phản đối của mình đối với các chính sách nhân quyền của ông ấy".

Các nghị sĩ Mỹ đã thể hiện thái độ bằng cách chuyển những mối quan ngại của mình liên tục đến Đại sứ quán Philippines tại Washington. Họ cho rằng các nhà ngoại giao Philippines cũng đang khổ tâm trong sự giằng xé giữa vai trò đại diện cho chính phủ Duterte và với những phát biểu của ông ấy.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên