Tổng thống Mỹ Donald Trump ký dự luật ngày 29-7 - Ảnh: REUTERS
Bản dự luật này đã chính thức chấm dứt một trong những khúc mắc lập pháp lớn nhất nhiều năm qua, khi ngày càng nhiều người cứu hộ qua đời vì các căn bệnh liên quan tới công việc của họ tại khu tòa nhà tháp đôi bị sụp đổ (Ground Zero).
Sự kiện 11-9 là một loạt bốn vụ tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở dân sự và quân sự tại Mỹ của tổ chức khủng bố Hồi giáo al-Qaeda vào sáng thứ Ba, ngày 11-9-2001.
Việc ký kết được thực hiện tại Vườn Hồng (Rose Garden), trước sự chứng kiến của hơn 60 nhân viên cứu hộ trong vụ tấn công khủng bố xảy ra năm 2001.
Bản dự luật sẽ giúp quỹ bồi thường duy trì tiếp đến năm 2092. Hãng tin AP nhận định điều này về cơ bản sẽ biến dự luật trở thành vĩnh viễn.
Ông Trump gọi những người cứu hộ trong sự kiện 11-9 là "những anh hùng thật sự của Mỹ", đã lập tức có mặt để hỗ trợ các nạn nhân và tiếp tục tìm kiếm người mất tích nhiều tháng sau đó.
Ngoài ra, ông cũng tuyên bố rằng đây là "nghĩa vụ thiêng liêng" của nước Mỹ trong việc chăm sóc những người này cùng gia đình họ.
Theo AP, trong giai đoạn 2001 - 2004, Quỹ bồi thường nạn nhân 11-9 đã chi 7,4 tỉ USD cho thân nhân của 2.880 người thiệt mạng và 2.680 người bị thương trong vụ tấn công này.
Quốc hội Mỹ đã bổ sung ngân quỹ vào năm 2011 và 2015 để hỗ trợ thêm hàng ngàn người, song quyết định ngừng chấp nhận yêu cầu bồi thường mới vào cuối năm 2020, sau khi ngân quỹ nhanh chóng cạn kiệt khiến các nhà quản lý phải cắt giảm tới 70% các khoản thanh toán lợi ích.
Quỹ bồi thường 11-9 cung cấp hỗ trợ y tế đối với các căn bệnh, có khả năng bắt nguồn từ việc tiếp xúc các khu vực bị tấn công. Những khu vực này bao gồm Khu vực Số không, Lầu Năm Góc hoặc vùng Shanksville, bang Pennsylvania.
Hơn 40.000 người đã nộp đơn xin hưởng chế độ từ quỹ này.
Dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua sau nhiều lần phải trì hoãn vì vấp phải sự phản đối từ phía đảng Cộnh hòa.
Hàng chục người cứu hộ liên tục phải tới Washington để vận động các nhà lập pháp duy trì quỹ bồi thường, mỗi khi bộ máy chính quyền có thay đổi.
Nhiều người trong số họ bị bệnh rất nặng. Đa số các nhân viên cứu hộ này đã qua đời vì các loại ung thư hay nhiều căn bệnh khác liên quan tới những loại khói độc họ hít phải, khi làm việc tại đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới bị máy bay khủng bố đâm vào.
Dù ngày càng nhiều thành viên trong số những người cứu hộ 11-9 qua đời, số phận của quỹ bồi thường vẫn chưa bao giờ được bảo đảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận