Tổng thống Trump đưa cho Thủ tướng Israel Netanyahu (giữa) cây bút ông dùng để ký vào tuyên bố công nhận Golan thuộc Israel và nói: "Cái này dành cho nhân dân Israel" - Ảnh: Reuters
Nhưng điều đó như đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông chưa bao giờ nguội. Với thế giới Ả Rập, hình ảnh ông Netanyahu cùng ông Trump khoe bản tuyên bố có chữ ký của tổng thống Mỹ ngày 25-3 đã dập tắt mọi hi vọng rằng một ngày nào đó hòa bình sẽ được thiết lập giữa Israel và Palestine.
Chiếc đinh quan tài
Ông Netanyahu - người đang phải vật lộn với những cuộc điều tra tham nhũng, lạm quyền để sống sót qua cuộc bầu cử - như vớ được thuyền cao su.
Nhưng nói như Fawaz Gerges - giáo sư quan hệ quốc tế tại trường kinh tế, tác giả một quyển sách về thế giới Ả Rập: "Donald Trump đã đảm bảo rằng Israel sẽ ở trong tình trạng chiến tranh vĩnh viễn với các nước láng giềng Ả Rập trong nhiều thập kỷ tới".
"Tôi tin rằng Chúa đang làm việc của ngài ấy" - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã ở Israel khi ông Trump lần đầu tuyên bố sẽ sớm công nhận Golan thuộc Israel trên Twitter hồi tuần trước, nói với Đài Christian Broadcasting Network.
Israel - một nhà nước Do Thái - chưa bao giờ được cộng đồng Ả Rập xem như một người bạn. Dù luôn cố gắng đi dây giữa các đồng minh Ả Rập và Tel Aviv, Washington chưa bao giờ thành công trong việc hòa giải những hận thù giữa hai bên.
Giống như việc từng công nhận toàn bộ Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Trump đã đặt dấu chấm hết cho chính sách liên tục và lâu dài của Mỹ với Golan, lãnh thổ mà Israel chiếm được từ Syria như một chiến lợi phẩm sau chiến tranh sáu ngày năm 1967.
Cần nhớ cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt khi xưa là một nỗi nhục thất trận của cộng đồng Ả Rập trước một Israel non trẻ chưa đầy 20 tuổi. Khi những ân oán, bất mãn vẫn chưa giải quyết, ông Trump đã đóng chiếc đinh cuối cùng lên quan tài có tên "Tiến trình hòa bình và hòa giải Ả Rập - Israel".
Các quan chức Nhà Trắng khẳng định những quyết định về Jerusalem và cao nguyên Golan là sự thừa nhận thực tế đang diễn ra, điều mà họ tin rằng phải là nền tảng hợp pháp cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Trái ngược với những cảnh báo của chuyên gia, những bộ não khuyên ông Trump công nhận Golan thuộc Israel tin rằng các nhà nước Hồi giáo Sunni trong thế giới Ả Rập, vốn đang bận bịu với các cuộc khủng hoảng ở Yemen, Syria, Libya, Algeria, Sudan và cuộc đối đầu với Iran, sẽ ít để ý đến Israel.
Thực tế bốn quốc gia vùng Vịnh từ Saudi Arabia đến Bahrain, Qatar và Kuwait, những nước có quân Mỹ đồn trú, đã phản đối quyết định của ông Trump, gọi nó là sự chà đạp lên luật pháp, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Danh sách đó đã được kéo dài bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Nga, Canada...
Dennis Ross, nhà đàm phán kỳ cựu về các vấn đề Trung Đông, cảnh báo hiểm họa có thể đến từ chính bên trong Israel sau động thái của Mỹ. Cánh hữu ở Israel sẽ lợi dụng việc Mỹ công nhận Golan để đẩy mạnh xây dựng các khu định cư Bờ Tây Palestine trước khi kiểm soát hoàn toàn nó.
"Đó sẽ là dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước" - ông nói.
Cơ hội đắc cử cho cả ông Trump
Mặc dù Tổng thống Trump biện minh quyết định về Golan không liên quan đến cuộc bầu cử sẽ diễn ra ngày 9-4 ở Israel, nó thực sự là một cú hích mạnh mẽ cho ông Netanyahu, người đang đối mặt với những thách thức không hề nhỏ từ vị tướng về hưu Benjamin Gantz.
"Netanyahu có ảnh hưởng rất lớn ở Washington và đặc biệt là trong chính quyền hiện tại. Tổng thống Trump, người được sự ủng hộ chưa từng thấy từ những người Do Thái, đã hết lòng ca ngợi Netanyahu là một nhà lãnh đạo 'cứng rắn', 'thông minh' và 'mạnh mẽ'.
Có vẻ như không có tuần nào trôi qua mà không có sự giúp đỡ từ chính quyền Trump đối với kế hoạch tái tranh cử của ông ta" - tờ Al Jazeera của Qatar bình luận.
Nhưng theo nhiều nhà phân tích, động thái của ông Trump còn tăng cơ hội tái đắc cử cho chính ông trong cuộc bầu cử năm 2020, bằng cách nhắm vào nhóm Kitô khuynh hướng Phúc âm rộng lớn ở Mỹ.
Rất nhiều người trong số này đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 và những người theo hệ này đang hiện diện dày đặc trong chính quyền của ông, từ Ngoại trưởng Pompeo đến Phó tổng thống Mike Pence.
Trong tuyên bố công nhận cao nguyên Golan, Tổng thống Donald Trump cho biết Nhà nước Israel đã nắm quyền kiểm soát cao nguyên Golan năm 1967 để bảo vệ an ninh của chính nó trước các mối đe dọa từ bên ngoài.
Các hành động gây hấn ngày nay của Iran và các nhóm khủng bố, đặc biệt là Hezbollah tại miền nam Syria, đã biến cao nguyên Golan trở thành địa bàn phát động các cuộc tấn công tiềm tàng vào Israel.
"Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có thể có tại khu vực trong tương lai phải tính đến việc Israel cần phải tự bảo vệ họ trước Syria và các mối đe dọa khác trong khu vực. Do đó, dựa trên những hệ quả đặc biệt, việc công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan là rất hợp lý" - tuyên bố nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận