Binh sĩ Ukraine vác tên lửa Javelin tại một điểm giao tranh ở phía bắc Kiev ngày 13-3 - Ảnh: REUTERS
Theo nhà nghiên cứu Mark F. Cancian thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) của Mỹ, tên lửa Javelin đã trở thành một biểu tượng của cuộc xung đột ở Ukraine.
Loại tên lửa chống tăng này đã góp phần không nhỏ vào việc chặn đà tiến quân của Nga ở miền bắc Ukraine và xung quanh thủ đô Kiev, tạo nên lối đánh "bắn và chạy" của quân đội Ukraine.
Một báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã chuyển khoảng 7.000 tên lửa Javelin cho Ukraine. Con số này chưa gồm 500 tên lửa nằm trong gói viện trợ 800 triệu USD mà Tổng thống Joe Biden công bố hôm 13-4.
Dù vậy, chỉ với con số đầu tiên, số tên lửa chống tăng Javelin mà Mỹ đã chuyển cho Ukraine đã nhiều hơn cả số tên lửa có trong kho của một số nước NATO.
Các sổ sách của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đã sản xuất tổng cộng 37.739 tên lửa Javelin kể từ năm 1994 đến nay. Theo tính toán của ông Cancian, trừ số tên lửa sử dụng trong các cuộc tập trận, huấn luyện và thử nghiệm hằng năm, Mỹ còn khoảng từ 20.000 đến 25.000 tên lửa Javelin trong kho.
Như vậy, 7.000 tên lửa Javelin cho Kiev tương đương khoảng 1/3 số tên lửa loại mà Mỹ đang có. Mặc dù con số 2/3 nghe có vẻ nhiều, với các nhà hoạch định quân sự Mỹ, đây không phải là con số an toàn xét đến các học thuyết quân sự và an ninh đòi hỏi Washington phải luôn có kho vũ khí dự trữ lớn.
Để đảm bảo yêu cầu này, không còn cách nào khác là phải sản xuất và mua thêm để bổ sung vào kho.
Trung bình mỗi năm Mỹ mua khoảng 1.000 tên lửa Javelin, cao điểm là 6.480. Thời gian chuyển giao, tính từ lúc chốt đơn hàng đến lúc nhận được tên lửa là 32 tháng.
Như vậy để bù lại số tên lửa đã chuyển cho Ukraine, Mỹ có thể mất tối thiểu 2 - 3 năm trừ khi Tổng thống Biden sử dụng đặc quyền hành pháp để huy động các công ty quốc phòng tập trung toàn lực sản xuất.
Theo ông Cancian, dù số tên lửa Javelin mà Mỹ cung cấp ít hơn tên lửa NLAW mà Anh đã chuyển cho Ukraine, Javelin vẫn đóng vai trò quan trọng hơn xét đến sự phức tạp, độ chính xác và tầm hoạt động lớn hơn.
Tên lửa chống tăng Javelin do hai tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon hợp tác sản xuất, với tầm bắn hiệu quả từ 65 đến 4.000m. Sau khi bắn, tên lửa sẽ lấy độ cao và bổ nhào xuống mục tiêu nhằm tăng khả năng tiêu diệt - Ảnh: LOCKHEED MARTIN
Ngoài tên lửa Javelin, tên lửa phòng không Stinger có thể cũng sẽ nằm trong danh sách cần mua của Bộ Quốc phòng Mỹ trong thời gian tới.
Washington đã không mua thêm bất kỳ tên lửa Stinger nào kể từ năm 2003. Theo Nhà Trắng, Mỹ đã chuyển khoảng 2.000 tên lửa loại này cho Ukraine, tương đương khoảng 1/4 số tên lửa có trong kho.
Theo một số nhà quan sát, với việc chiến trường đang dần chuyển sang khu vực Donbass trống trải, các loại vũ khí mà Ukraine đang có và đã phát huy hiệu quả trong 6 tuần đầu tiên sẽ đánh mất lợi thế.
Giới lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và đồng minh chuyển các vũ khí hạng nặng cho nước này vì môi trường tác chiến đã thay đổi từ đô thị sang địa hình trống trải, bằng phẳng. Do đó, việc Mỹ chuyển nhỏ giọt tên lửa Javelin được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch quân sự của Kiev.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận