19/08/2020 08:16 GMT+7

Mỹ có 'ép chết' Huawei với 'đầu đạn hạt nhân nhắm thẳng'?

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Nhiều chuyên gia liên tưởng đến "bản án tử" cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, sau khi Mỹ siết chặt giới hạn tiếp cận nguồn cung chip điện tử đối với doanh nghiệp này.

Mỹ có ép chết Huawei với đầu đạn hạt nhân nhắm thẳng? - Ảnh 1.

Động thái mới của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với Huawei - Ảnh: AFP

Cụ thể, ngày 17-8, Washington đã mở rộng lệnh cấm đối với Huawei khi đưa thêm 38 chi nhánh của hãng này ở 21 quốc gia .

"Đầu đạn hạt nhân" nhắm thẳng

Động thái mới của Mỹ không chỉ đơn thuần gia tăng áp lực đối với Huawei, mà còn dọa tuyên án tử đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Từ tháng 5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm tất cả các nhà sản xuất trên thế giới sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip do Huawei thiết kế. Ban đầu, quy định này cũng đe dọa cả nhà cung cấp vật liệu bán dẫn hàng đầu của Đài Loan, TSMC, cho đến khi khung pháp lý dần được chỉnh sửa và định hình.

Theo đó, Huawei vẫn được mua chip không phải do hãng thiết kế. Kết quả là Hãng MediaTek nhanh chóng hưởng lợi từ quy định mới và trở thành nhà cung cấp thiết bị điện thoại di động 5G lớn nhất thế giới. Các thiết bị của MediaTek do chính TSMC sản xuất.

Nhà bình luận mảng công nghệ của Bloomberg, Tim Culpan, cho rằng điều này đã biến các giới hạn Mỹ áp lên Huawei trở thành một kiểu cùng thắng "win - win" cho tất cả các bên.

Trong khi Washington có thể giới hạn sự phát triển sản xuất vật liệu bán dẫn của Huawei và cả tham vọng của Bắc Kinh, Đài Loan - một đồng minh quan trọng của Mỹ, cũng thu được lợi ích. Ngay cả Huawei vẫn có thể sống tiếp khi bị Mỹ "siết yết hầu" về mặt công nghệ.

Tuy nhiên, nhận định về việc mở rộng lệnh cấm Huawei hôm 17-8, ông Culpan cho rằng đó là "đầu đạn hạt nhân nhắm thẳng về phía Huawei".

Ông Trump cũng nói về động thái mới nhất của Mỹ trong chương trình sáng 17-8 cùng Fox News. "Huawei ư? Tôi gọi họ là Spy-Wei (gián điệp). Họ là thảm họa. Chúng ta sẽ không chia sẻ thông tin tình báo với bất cứ quốc gia nào sử dụng thiết bị của họ", tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Huawei đã "liên tục trốn tránh" lệnh cấm của Mỹ áp đặt vào tháng 5, và động thái của Bộ Thương mại sẽ ngăn Huawei lách luật.

Đòn hiểm

Hãng phân tích Eurasia Group cảnh báo Huawei có thể "gần như hoàn toàn" bị cắt đứt khỏi nguồn vật liệu bán dẫn quan trọng của mình, sau khi Washington quyết định siết giới hạn đối với họ. Và Huawei sẽ không có nhiều lựa chọn để xoay xở.

"Đây là động thái mới nhất và có thể là nỗ lực nghiêm túc nhất của Chính phủ Mỹ nhằm bóp nghẹt khả năng tiếp cận vật liệu bán dẫn tiên tiến trong mọi lĩnh vực kinh doanh của công ty này" - Eurasia Group nhận định hôm 17-8.

Cùng lúc đó, Đài CNBC cũng cho rằng nếu không thể tiếp cận các linh kiện cần thiết, hàng tỉ đôla doanh thu đến từ toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng sẽ bị đe dọa.

Có rất nhiều khâu để phát triển, sản xuất và lắp đặt chip điện tử và một thiết bị. Công nghệ Mỹ có mặt trong tất cả các khâu đó. Điển hình, hai hãng Synopsys và Cadence Design Systems sản xuất phần mềm thiết kế vật liệu bán dẫn, trong khi Lam Research và Applied Materials là các nhà cung hàng đầu về thiết bị sản xuất. Cả 4 cái tên này đều đặt trụ sở tại Thung lũng Silicon.

Bên cạnh đó, nhiều nhà cung công nghệ của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình trên. Chỉ cần mất đi một nguồn cung, bất cứ hãng sản xuất chip nào trên thế giới cũng phải chật vật để đuổi kịp. 

Ông Culpan cho rằng ngay cả khi Huawei tìm được một nhà cung cấp không sử dụng công nghệ Mỹ và cũng không đến từ Mỹ - việc vốn đã hiếm hoi, thì những doanh nghiệp đó cũng chưa chắc muốn chọc giận Washington.

Trong thực tế, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về việc Huawei sẽ ngừng sản xuất chip Kirin vào tháng tới do áp lực của Mỹ. Dù vậy, ông Neil Mawston, giám đốc điều hành mảng chiến lược thiết bị không dây của Strategy Analytics, cho rằng tình hình sẽ còn tệ hơn. 

"Quyết định mới của Mỹ sẽ càng gây khó cho Huawei trong việc tìm nguồn cung chip điện thoại thông minh ổn định cho năm 2021", ông Mawston nói.

Trung Quốc tố Mỹ "chèn ép" Huawei

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, ngày 18-8 tuyên bố nước này kịch liệt phản đối việc Mỹ "chèn ép" Huawei, sau khi chính phủ của ông Trump siết giới hạn đối với hãng này.

Ông Triệu cũng kêu gọi Mỹ ngừng hạ thấp uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp nước này.

Huawei bị chặn, Trung Quốc nói Mỹ ‘lạm dụng quyền lực quốc gia’ Huawei bị chặn, Trung Quốc nói Mỹ ‘lạm dụng quyền lực quốc gia’

TTO - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 18-8 chỉ trích động thái siết lệnh cấm với Huawei, cáo buộc Washington ‘lạm dụng quyền lực quốc gia’ để ngăn chặn sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên