10/03/2021 07:24 GMT+7

Mỹ: 'Chúng tôi kêu gọi và tiếp tục thúc giục quân đội Myanmar kiềm chế tối đa'

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Mỹ phản đối quân đội Myanmar dùng vũ lực đàn áp người dân và kêu gọi quân đội nước này "kiềm chế tối đa". Thêm một quan chức của chính quyền dân cử Myanmar chết khi đang bị giam giữ.

Mỹ: Chúng tôi kêu gọi và tiếp tục thúc giục quân đội Myanmar kiềm chế tối đa - Ảnh 1.

Người biểu tình xịt bình chữa cháy trong một cuộc biểu tình ngày 9-3-2021 tại thành phố Yangon, Myanmar - Ảnh: REUTERS

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 9-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ phản đối quân đội Myanmar tiếp tục sử dụng vũ lực chống lại người dân nước họ, theo Hãng tin Reuters.

"Chúng tôi kêu gọi và tiếp tục thúc giục quân đội Miến Điện (tên cũ của Myanmar) kiềm chế tối đa" - ông Price thêm.

Trong một diễn biến liên quan, thêm một quan chức trong Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã chết trong khi đang bị giam giữ vào ngày 9-3.

Thành viên Ba Myo Thein của thượng viện đã bị giải tán ở Myanmar cho biết ông Zaw Myat Linn của Đảng NLD đã chết khi bị giam giữ ngày 9-3, sau khi ông bị bắt tại thành phố Yangon vào khoảng 1h30 sáng cùng ngày.

"Ông ấy liên tục tham gia các cuộc biểu tình. Không rõ nguyên nhân cái chết của ông ấy" - Ba Myo Thein nói thêm.

Trước khi qua đời trong nhà giam, ông Linn đã lên Facebook kêu gọi mọi người tiếp tục đấu tranh với quân đội, "thậm chí nếu phải trả giá bằng tính mạng của chúng ta". "Họ không bao giờ được phép duy trì quyền lực" - ông Linn viết.

Quân đội và cảnh sát đều không đưa ra bình luận gì về cái chết của ông Linn. Đây là quan chức thứ hai của NLD thiệt mạng kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính, theo Hãng tin Reuters.

Trước đó, ông Khin Maung Latt, một thành viên NLD, được nhìn thấy chết với dây vải đầy máu quấn quanh đầu. Ông Latt bị bắt trong cuộc bố ráp của cảnh sát Myanmar nửa đêm 7-3 tại Yangon.

Cảnh sát cũng đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, đột kích vào văn phòng của hai hãng tin tức và bắt giữ hai nhà báo trong ngày 9-3. Cảnh sát cũng giải tán các cuộc biểu tình tại Yangon và những thị trấn khác bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ "lên án mạnh mẽ chính quyền vì đàn áp bạo lực với những người biểu tình ôn hòa và những người chỉ đang làm công việc của họ, bao gồm các nhà báo độc lập".

Myanmar đang chìm trong khủng hoảng sau khi quân đội tiến hành đảo chính vào ngày 1-2, bắt giữ các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền dân cử và đàn áp đẫm máu những người biểu tình phản đối chính quyền quân sự.

Đến nay, hơn 1.900 người đã bị bắt giữ trên khắp Myanmar và hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng.

Cùng ngày, Myanmar thông báo triệu hồi đại sứ của nước này tại Anh Kyaw Zwar Minn sau khi ông lên tiếng kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi, cố vấn an ninh nhà nước Myanmar, và Tổng thống Win Myint.

"Vì ông ta đã không hành xử theo đúng hướng dẫn và trách nhiệm, đã có quyết định triệu hồi ông ta" - kênh truyền hình MRTV đưa tin.

Hàng loạt thương hiệu có nguy cơ bị dân Myanmar tẩy chay, ASEAN vô thế khó Hàng loạt thương hiệu có nguy cơ bị dân Myanmar tẩy chay, ASEAN vô thế khó

TTO - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chắc chắn không muốn và không thể thể bỏ Myanmar lại phía sau. Nhưng bằng cách nào?

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên