14/10/2021 08:57 GMT+7

Mỹ chơi 'cò quay Nga' về nợ công

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thống nhất tạm thời nâng trần nợ công đã giúp xoa dịu lo ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, nhưng vẫn còn nhiều thách thức to lớn phía trước.

Mỹ chơi cò quay Nga về nợ công - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden chỉ trích Đảng Cộng hòa đang chơi trò cò quay Nga với nền kinh tế Mỹ - Ảnh: REUTERS

Nguy cơ vỡ nợ vẫn rất thấp và chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ, nhưng nếu điều đó diễn ra có thể gây đổ vỡ khủng khiếp trên thị trường trong nước và cả thế giới.

Còn bất đồng lớn

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 12-10 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật tạm thời nâng mức trần nợ công liên bang thêm 480 tỉ USD, lên 28.900 tỉ USD, với 219 phiếu thuận và 206 phiếu chống.

Khoản tăng sẽ cho phép chính phủ hoạt động tiếp đến ngày 3-12, thời điểm mà gói ngân sách tạm được thông qua vào đầu tháng này cũng hết hạn. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sớm ký thông qua dự luật này trước hạn chót ngày 18-10, thời điểm Mỹ mất khả năng thanh toán nợ quốc gia. Như vậy, Mỹ sẽ có thêm 7 tuần để tìm lối thoát cho vấn đề nợ công.

Tình hình hiện tại trên chính trường Mỹ cũng giống ông Biden mô tả như đang "chơi trò cò quay Nga đối với kinh tế (Mỹ)", hàm ý chỉ trích phe Cộng hòa không màng tới tương lai đất nước. 

Trong trò chơi cò quay Nga, người tham gia sử dụng một khẩu súng lục ổ quay với một viên đạn duy nhất bên trong để bắn vào đầu mình theo lượt, người còn sống sẽ là người chiến thắng.

Dù đang kiểm soát Hạ viện và nắm 50 ghế (bằng phe Cộng hòa) ở Thượng viện, nhưng phe Dân chủ sẽ phải cần ít nhất 10 phiếu của phe Cộng hòa để thông qua dự luật trần nợ chính thức.

Đảng Dân chủ cho rằng việc nâng trần nợ là để chi trả cho các khoản nợ cũ và các chính sách của ông Biden chỉ góp thêm 3% vào tổng số nợ quốc gia. Đảng này nhắc lại việc đã từng giúp nâng trần nợ ba lần dưới thời tổng thống Cộng hòa Donald Trump.

Nhưng phía Cộng hòa khẳng định phe Dân chủ phải chịu trách nhiệm vì muốn chi hàng ngàn tỉ USD cho các chương trình xã hội và chống biến đổi khí hậu. 

Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ, và các lãnh đạo Cộng hòa khác cho rằng phe Dân chủ có thể sử dụng quyền kiểm soát lưỡng viện để thông qua các chính sách thì cũng có thể tự mình nâng trần nợ.

Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, quy trình được gọi là "đồng nhất ý kiến về ngân sách" lại rất phức tạp và tốn nhiều thời gian trong khi phe Dân chủ cần tập trung cho chương trình nghị sự chính của ông Biden. 

Ngoài ra, nó cũng giúp phe Cộng hòa đẩy trách nhiệm cho phe Dân chủ làm tăng nợ quốc gia.

Ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật tạm nâng trần nợ công ngày 12-10, ông McConnell đã viết tiếp một lá thư cho ông Biden khẳng định sẽ "không giúp sức nữa nếu chính phủ nằm trong tay Đảng Dân chủ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng có thể tránh được khác". 

Đến nay, sự cương quyết của phe Cộng hòa càng làm tăng lo ngại về khả năng đạt được thỏa thuận về nợ công trước ngày 3-12.

Cắt giảm chi tiêu

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến nay đã bác bỏ khả năng sử dụng quy trình "đồng nhất ý kiến về ngân sách".

Bà Pelosi cho rằng đây là trách nhiệm lưỡng đảng, nhưng cũng đề cập đến khả năng để Bộ Tài chính tự nâng trần nợ công. Tuy nhiên, biện pháp này cũng trao quyền cho Quốc hội có thể phủ quyết các khoản nợ tăng thêm.

Một giải pháp khả thi là giảm chi tiêu. Theo đó, phe Dân chủ có thể tiếp tục vận động sự ủng hộ của phe Cộng hòa bằng cách điều chỉnh các gói chi tiêu khổng lồ. 

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, bà Pelosi bày tỏ lạc quan về khả năng Dân chủ có thể điều chỉnh gói ngân sách xã hội "kịp thời", trong đó sẽ cắt giảm bớt các mục tiêu.

Cùng ngày, người phát ngôn Jen Psaki của Nhà Trắng thừa nhận rằng gói chi tiêu xã hội Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn) trị giá 3.500 tỉ USD của ông Biden sẽ phải thu gọn. 

Cùng với gói chi 1.200 tỉ USD cho hạ tầng, đây là chương trình nghị sự chính đầy tham vọng của Tổng thống Joe Biden.

"Những gì [bà Pelosi] đã nói trong cuộc họp báo đó là nếu có ít tiền hơn để chi tiêu thì cần phải đưa ra lựa chọn, và tổng thống cũng đồng ý... Nếu gói chi nhỏ hơn 3.500 tỉ USD, chúng tôi biết nó sẽ như vậy, chúng ta phải lựa chọn" - bà Psaki nói.

Trong nội bộ Đảng Dân chủ, các thành viên cấp tiến cũng đã đánh tiếng sẽ nhượng bộ về các chương trình trong gói chi tiêu này.

"Sẽ có nhiều đề nghị, thử nghiệm và đàm phán để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới" - nhà phân tích Joydeep Mukherji của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nói, sau nhiều ngày giới phân tích đã cảnh báo Mỹ đang "đùa với lửa" về vấn đề nợ công. 

Trong khi đó, các chuyên gia của Tổ chức NatWest cho rằng phe Dân chủ Mỹ có thể phải dùng đến quy trình đồng nhất ý kiến để nâng giới hạn nợ.

Trần nợ là gì?

Chính phủ Mỹ thường chi nhiều hơn so với số thu được từ thuế, vì vậy Washington đi vay để bù đắp khoản thiếu hụt.

Việc vay thông qua phát hành công trái Chính phủ Mỹ thường được đánh giá là khoản đầu tư an toàn nhất thế giới. Dù bị giới hạn, còn gọi là trần nợ, Quốc hội Mỹ đã hơn 100 lần nâng trần để cứu chính phủ.

Tuy nhiên, các chính trị gia thường sử dụng lá phiếu nâng trần nợ để thúc đẩy các vấn đề khác.

Tương tự như năm 2013 dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, phe Cộng hòa năm nay muốn dùng trần nợ để gây sức ép lên chính quyền ông Biden về các gói chi tiêu khổng lồ của phe Dân chủ.

Mỹ tổ chức thượng đỉnh chống tin tặc nhưng không mời Nga Mỹ tổ chức thượng đỉnh chống tin tặc nhưng không mời Nga

TTO - Trong hai ngày 13 và 14-10, Washington tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với sự tham gia của 30 nước bàn về giải pháp chống mã độc tống tiền, nhưng không mời Nga tham gia sự kiện này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên