Logo Kaspersky Lab tại trụ sở của công ty này ở Moscow, Nga - Ảnh: Reuters
Điều tra Sputnik
Reuters ngày 18-9 đưa tin ba nghị sĩ đảng Dân chủ muốn cơ quan giám sát truyền thông Mỹ điều tra xem liệu Sputnik có vi phạm các quy định của chính phủ thông qua việc tuyên truyền các chương trình gây ảnh hưởng đến bầu cử và các chính sách của Mỹ hay không.
Theo đó đài phát thanh Sputnik đã bắt đầu phát sóng tại khu vực Washington vào cuối tháng 6 - một thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ Nga - Mỹ khi quốc hội đang xem xét các cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ về việc Mátxcơva từng cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) có thẩm quyền đối với tất cả các đài truyền hình và truyền thanh dùng sóng công cộng nhưng lại không có thẩm quyền trên các trang tin.
"Tại Washington DC, những người nghe đài chỉ cần bật kênh FM 105.5 để nghe những nỗ lực của chính phủ Nga nhằm gây ảnh hưởng đến các chính sách của Mỹ" - ba nghị sĩ trên cho biết.
Nghị sĩ Frank Pallone của Ủy ban Năng lượng và Thương mại cùng nghị sĩ Anna Eshoo và Mike Doyle đã yêu cầu giám đốc FCC Ajit Pai tiến hành cuộc điều tra trên.
"Điều này có nghĩa là các thông điệp tuyên truyền của điện Kremlin đang được phát sóng nhờ sự cấp phép của FCC" - các hạ nghị sĩ trên cáo buộc.
Phát ngôn viên của ông Pai, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jessica Rosenworcel từ chối bình luận về cáo buộc trên. "Đó là những câu hỏi quan trọng và đáng được trả lời" - bà Rosenworcel nói.
Hãng tin Sputnik cũng chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về cáo buộc trên.
Trước đó hồi tháng 4, Reuters từng trích dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Dân chủ trên và 4 cựu quan chức Mỹ khác cho biết một cơ quan chuyên trách dưới sự kiểm soát của điện Kremlin đã phát triển một kế hoạch làm suy yếu niềm tin của cử tri Mỹ vào hệ thống bầu cử của nước này.
Chính quyền Mátxcơva cũng từng lên tiếng cho rằng bản tin của Reuters là dối trá. Sputnik cũng bác bỏ những lập luận của các quan chức Mỹ rằng trang tin này đã can dự vào một chiến dịch của điện Kremlin để tuyên truyền những điều dối trá.
Cấm xài Kaspersky
Trong diễn biến cùng ngày, như Reuters đưa tin, thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm chính phủ liên bang sử dụng các sản phẩm của công ty an ninh mạng có trụ sở tại Nga là Kaspersky Lab do quan ngại công ty này có thể là một con tốt của điện Kremlin và sẽ gây đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ.
Cuộc bỏ phiếu này là một trong những trở ngại mới nhất của chính phủ Mỹ dành cho Kaspersky Lab.
Kaspersky là một công ty diệt virút có 20 năm kinh nghiệm với 400 triệu khách hàng trên toàn cầu. Công ty an ninh mạng này phủ nhận việc làm gián điệp cho chính phủ Nga.
Cuộc bỏ phiếu nhằm hệ thống hóa và mở rộng một quyết định hồi tuần trước của chính quyền tổng thống Donald Trump nhằm yêu cầu các cơ quan chính quyền dân sự xóa khỏi hệ thống các sản phẩm của Kaspersky Lab.
Các nghị sĩ và quan chức tình báo Mỹ đã tăng cường cảnh báo về khả năng tiến hành gián điệp qua mạng xã hội của chính phủ Nga sau cáo buộc nước này cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Kaspersky là Eugene Kaspersky đã nhiều lần nói rằng những cáo buộc chống lại công ty của ông là sai lầm và thiếu chứng cứ đáng tin cậy.
Trong khi đó thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen cho rằng lệnh cấm "loại bỏ một lỗ hổng thực sự đối với an ninh quốc gia của chúng ta".
Bà Shaheen hy vọng rằng dự luật này sẽ sớm được ký thành luật. Theo đó dự luật cấm sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab trong các cơ quan dân sự và quân sự của chính phủ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận