Xưởng sản xuất tại Tân Cương, Trung Quốc của Công ty Daqo New Energy - Ảnh: BLOOMBERG
Theo Hãng tin Reuters, phía Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc trên sử dụng lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương.
Cụ thể, Nhà Trắng áp lệnh cấm nhập khẩu đối với một chất liệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời từ Hãng hóa chất Hoshine Silicon Industry. Mỹ cũng giới hạn xuất khẩu cho Hoshine cùng 3 doanh nghiệp Trung Quốc và 1 công ty bán quân sự khác là Xinjiang Production and Construction Corps (XPCC).
Ba doanh nghiệp Trung Quốc chịu lệnh cấm của Mỹ bao gồm Xinjiang Daqo New Energy (công ty con của Hãng năng lượng Daqo New Energy tại Tân Cương), Xinjiang GCL New Energy Material (một nhánh của Hãng năng lượng GCL New Energy) và Xinjiang East Hope Nonferrous Metals (công ty con của Tập đoàn sản xuất East Hope Group).
Một số doanh nghiệp trong 5 công ty trên là các nhà sản xuất lớn đối với vật liệu monocrystalline silicon và polysilicon, thường được sử dụng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Trong một diễn biến khác, Bộ Lao động Mỹ đã thêm polysilicon do lao động cưỡng bức sản xuất tại Trung Quốc vào “danh sách đen” của họ, có tên “Danh sách hàng hóa sản xuất bởi lao động trẻ em và lao động cưỡng bức”.
“Các động thái này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc buộc Trung Quốc phải trả giá thêm cho hành vi sử dụng lao động cưỡng bức thiếu nhân đạo, cũng như đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ quy định thương mại công bằng như một phần của trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, trích thông báo của Nhà Trắng.
Trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng cũng tuyên bố hoạt động của các công ty trên không chỉ đi ngược lại các giá trị của Mỹ, mà còn ảnh hưởng đến công nhân Mỹ khi sử dụng lao động cưỡng bức và ép giá tiền lương.
Tuyên bố này còn ghi nhận nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời của họ.
Trung Quốc trước đó đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về vấn đề Tân Cương.
Hôm 24-6, truyền thông quốc tế đã đưa tin về việc Bộ Thương mại Mỹ cấm xuất khẩu cho 5 doanh nghiệp trên. Phản ứng lại thông tin này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, ngày 25-6 tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận