Theo sắc lệnh hành pháp được ông Biden ký ngày 9-8, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong ba lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, một số hệ thống trí tuệ nhân tạo. Sau các tín hiệu tích cực gần đây khi hai nước nối lại một số chuyến thăm, sắc lệnh mới có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng.
Nói không "chia tách" mà lại "tách chia"
Phản ứng với sắc lệnh, nhìn chung truyền thông Trung Quốc đưa tin theo hướng cho rằng Mỹ "nói một đằng làm một nẻo", và động thái này là sai lầm vì không có lợi cho việc cải thiện quan hệ hai nước.
Trong bài viết "Ông Biden ký sắc lệnh hạn chế đầu tư công nghệ ở Trung Quốc bất chấp cam kết không chia tách" đăng ngày 10-8, Hãng tin Tân Hoa xã bình luận: "Vốn đã lên kế hoạch trong nhiều tháng, sắc lệnh này được coi là một bước nữa nhằm ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc với cái cớ an ninh quốc gia, trong bối cảnh Mỹ tăng cường cạnh tranh công nghệ cao với Trung Quốc".
Còn tờ Trung Quốc Nhật báo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng động thái này của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung.
Ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, nói các quan chức trong chính quyền ông Biden đã khẳng định họ không có ý định chia tách với Trung Quốc, nhưng những gì Mỹ thực sự làm là liên tục "chia tách và cắt đứt chuỗi cung ứng" khỏi Trung Quốc.
Ông cáo buộc Mỹ đang "lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia" và tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình.
Đáng chú ý, sắc lệnh của ông Biden được đưa ra vào thời điểm quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa có dấu hiệu hạ nhiệt nhẹ sau các chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và đặc phái viên của tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry.
Tờ Trung Quốc Nhật báo dẫn lời ông William C. Kirby, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Harvard (Mỹ), cho rằng trong khi các chuyến thăm và hội đàm giúp cải thiện quan hệ hai nước, sắc lệnh nói trên có thể tạo thêm thách thức cho triển vọng về một quan hệ song phương ổn định.
Tác động thế nào?
Theo Hãng tin Reuters, sắc lệnh nói trên nhằm ngăn chặn việc nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ được sử dụng để giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ hiện đại hóa quân đội và làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ.
Biện pháp này tập trung vào đầu tư tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và các khoản đầu tư xanh.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ca ngợi sắc lệnh của ông Biden, cho rằng trước khi có sắc lệnh đó, "trong một thời gian dài tiền bạc (đầu tư) của Mỹ đã giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc".
Các thành viên Đảng Cộng hòa nói sắc lệnh của ông Biden vẫn chưa đi đủ xa.
Tuy nhiên phía Trung Quốc cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả Bắc Kinh và Washington, cũng như tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Lưu Bằng Vũ, biện pháp hạn chế đầu tư mới nhất của Mỹ "sẽ phá hoại nghiêm trọng lợi ích của các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc và Mỹ, cản trở hợp tác kinh doanh bình thường giữa hai nước và làm giảm niềm tin của cộng đồng quốc tế vào môi trường kinh doanh của Mỹ".
Trong tuyên bố ngày 10-8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng việc Mỹ hạn chế các công ty của mình đầu tư vào Trung Quốc, và cố gắng chia tách trong lĩnh vực đầu tư "dưới vỏ bọc giảm bớt rủi ro" đã hoàn toàn đi chệch "các nguyên tắc của kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng mà Mỹ từ lâu đã tuyên bố ủng hộ".
"Điều đó phá hoại trật tự thương mại quốc tế và phá vỡ nghiêm trọng an ninh của các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Trung Quốc hết sức quan ngại về điều này", Bộ Thương mại Trung Quốc nêu quan điểm.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu bình luận: "Nếu có người Mỹ nào hy vọng sử dụng những biện pháp hạn chế đầu tư này để ngăn chặn hoặc bóp nghẹt sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc thì chỉ có thể nói là họ quá kiêu ngạo".
Tờ này khẳng định trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, Trung Quốc "chưa bao giờ phụ thuộc vào nước khác và luôn cam kết đổi mới độc lập".
Đồng minh của Mỹ chùn bước
Theo báo Financial Times, Mỹ đang nỗ lực đạt được đồng thuận nhiều nhất có thể với các đồng minh về sự cần thiết của việc hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.
Tuy nhiên nỗ lực này đang trở nên phức tạp vì các nước khác lo lắng động thái của Mỹ đang đi quá xa.
Giới chức Mỹ hy vọng một số nước sẽ hành động theo khi họ dẫn đầu, nhưng hiện nay ngay cả một số đồng minh thân cận của Mỹ dường như cũng đang chùn bước.
Chẳng hạn, các quan chức Nhật Bản đã nói Tokyo không có ý định sửa đổi luật liên quan các khoản đầu tư vào Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận