Trước cuộc bỏ phiếu, đặc phái viên của Nhà nước Palestine Ziad Abu Amr đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an. Ông lập luận: "Việc trao cho Nhà nước Palestine tư cách thành viên đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc sẽ xóa bỏ một số bất công lịch sử mà các thế hệ Palestine kế tiếp phải gánh chịu".
12/15 nước thuộc Hội đồng Bảo an - trong đó có các thành viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc và Pháp - đã bỏ phiếu thuận, ủng hộ Palestine trở thành thành viên đầy đủ và chính thức của Liên Hiệp Quốc trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-4.
Tuy nhiên lá phiếu của 12 nước này là không đủ dù có chiếm đa số.
Trở ngại từ quy định của Liên Hiệp Quốc
Theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bất kỳ yêu cầu nào về việc trở thành quốc gia thành viên tổ chức này trước tiên phải có được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an - nghĩa là nước đó phải giành được tối thiểu 9 phiếu thuận trong số 15 phiếu và không có phiếu phủ quyết.
Sau khi vượt qua vòng bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, nước đó phải được 2/3 tổng số thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tán thành.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 18-4, Mỹ là nước duy nhất phản đối việc trao tư cách thành viên chính thức cho Nhà nước Palestine. Việc Washington sử dụng quyền phủ quyết đồng nghĩa dự thảo nghị quyết không được thông qua và sẽ không có cuộc bỏ phiếu nào khác tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó Anh, một nước thường trực khác của Hội đồng Bảo an và là đồng minh của Mỹ, đã bỏ phiếu trắng cùng với thành viên không thường trực là Thụy Sĩ.
Việc Palestine thúc đẩy trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc diễn ra 6 tháng sau khi Israel phát động chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để tiêu diệt nhóm Hamas của người Palestine.
Mỹ, đồng minh chính của Israel, đã không ngần ngại sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ Israel tại Hội đồng Bảo an sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ.
Nước này cũng đồng thời không che giấu sự thiếu nhiệt tình đối với tư cách thành viên Liên Hiệp Quốc của Nhà nước Palestine trong nhiều tuần trước cuộc bỏ phiếu ngày 18-4.
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood khẳng định Washington tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước, tức Nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình.
Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là không thay đổi: Liên Hiệp Quốc không phải là nơi để công nhận Nhà nước Palestine, vốn phải là kết quả của một thỏa thuận hòa bình giữa Palestine với Israel.
Palestine chỉ trích, các nước thất vọng với Mỹ
Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ Palestine. Văn phòng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi hành động của Mỹ là "một sự xâm lược trắng trợn", "khuyến khích theo đuổi cuộc chiến diệt chủng chống lại người Palestine, đẩy khu vực ngày càng đến bờ vực thẳm".
Ông cũng mô tả đây là quyết định "bất công, phi đạo đức", theo Reuters.
Nhóm Hamas nắm quyền tại Dải Gaza cũng lên án lập trường của Mỹ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "ủng hộ cuộc đấu tranh của người dân Palestine và quyền hợp pháp của họ trong việc quyết định vận mệnh chính mình".
Ở chiều ngược lại, không ngạc nhiên khi Israel hoan nghênh quyết định của Mỹ. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an cùng ngày 18-4, Ngoại trưởng Israel Israel Katz thậm chí còn gọi việc 12 nước ủng hộ tư cách thành viên của Palestine sẽ khiến hòa bình tại khu vực "gần như không thể đạt được".
Trước đó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Phó Thông nói việc không thể thông qua nghị quyết kết nạp Nhà nước Palesinte là điều đáng buồn và mô tả việc Mỹ sử dụng quyền phủ quyết là "đáng thất vọng nhất".
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia thì tuyên bố đại đa số cộng đồng quốc tế hiện nay đều ủng hộ Nhà nước Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Do đó, lá phiếu phủ quyết của Mỹ chỉ khiến nước này thêm lạc lõng.
Lần cuối cùng một quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn một nước khác gia nhập Liên Hiệp Quốc là vào năm 1976, theo Hãng thông tấn AFP.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận tư cách quan sát viên của Nhà nước Palestine tại tổ chức này từ năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận