09/04/2014 07:57 GMT+7

Mỹ - Trung so kè "quyền lực mềm"

GS TERRY F. BUSS (ĐH Carnegie Mellon, Úc)THÚY ĐÀO dịch
GS TERRY F. BUSS (ĐH Carnegie Mellon, Úc)THÚY ĐÀO dịch

TT - Mỹ đang duy trì chính sách đối ngoại “quyền lực mềm”. Đó chính là chủ nghĩa đa phương hóa - ra quyết định tập thể với sự tham gia của các tổ chức quốc tế (như Liên Hiệp Quốc) hoặc các tổ chức trong khu vực (như NATO) và các nước đồng minh chứ không hành động một mình.

Với phương thức lùi lại phía sau để lãnh đạo, Mỹ yêu cầu các nước khác phải giải quyết xung đột. Đây là sự từ bỏ những chính sách của Mỹ trước đây dưới thời của Tổng thống Bush và Tổng thống Clinton, những người luôn kiên định chủ trương “quyền lực cứng”.

Trung Quốc cũng tán thành “quyền lực mềm”, đó là nguyên vẹn chủ quyền và lãnh thổ, bất tương xâm, không gây bất ngờ, không can thiệp vào việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, công bằng và hợp tác. Nhưng không giống như Mỹ, dù ủng hộ đa phương hóa, Trung Quốc vẫn không hề từ bỏ vai trò lãnh đạo.

Mặc dù đều chủ trương “quyền lực mềm”, cả Trung Quốc và Mỹ vẫn không ngừng để mắt đến nhau xem mỗi nước đang đẩy giới hạn đến đâu để duy trì quyền lợi của mình. Mỗi nước đều phải xác lập rõ quyền lực của mình với mục đích để đối phương biết là không gì có thể xoay chuyển được điều đó. Đồng thời hai bên đều muốn tránh xung đột. Hành động để cân bằng giữa các siêu cường quốc quả là một động thái quá mong manh.

Trung Quốc kiểm tra “quyền lực mềm” của Mỹ trên nhiều phương diện. Trước hết là việc tranh chấp chủ quyền các đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật, rồi tiếp đến là những động thái giành quyền kiểm soát biển Đông trên các vùng lãnh hải của Philippines, Malaysia và Việt Nam.

Về phần mình, Mỹ lại thể hiện một cách hành xử thụ động và thiếu nhất quán trong phản ứng với Trung Quốc. Năm 2009, Mỹ đưa ra chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương với mục tiêu tái xuất sang khu vực không chỉ nhằm đảm bảo ổn định và an ninh, mà còn để tăng cường thương mại, hội nhập kinh tế và phát triển. Tâm điểm của việc xoay trục chính là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mỹ muốn có sự tham gia của Trung Quốc vào sáng kiến tự do thương mại đa phương này với suy nghĩ rằng điều đó sẽ có lợi cho khu vực, nhưng Mỹ đã không làm được điều này. Nước Mỹ đã quá chậm trong việc khởi động sáng kiến và vì vậy đã không được quốc hội ủng hộ. Thêm vào đó là một số lần gián đoạn kể từ khi bắt đầu thực hiện sáng kiến đã khiến các quốc gia trong khu vực không hài lòng. Hiện giờ, các thành viên của Đảng Dân chủ lại đang phản đối hiệp định này. Đổi lại, Trung Quốc đang đề xuất một số giải pháp thương mại thay thế nhằm cô lập Mỹ.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ - vốn luôn là yếu tố chủ chốt đối với ổn định và an ninh - trong khu vực thì lại đang suy yếu do việc cắt giảm đáng kể trong ngân sách quân sự. Mỹ đã cố gắng giúp các nước đồng minh trong khu vực đối trọng với các hành động của Trung Quốc ở trên biển, nhưng sau đó lại gây áp lực yêu cầu các nước kiềm chế trong phản ứng với Trung Quốc. Các nước đồng minh và cả các quốc gia khác coi đó là sự yếu đuối của nước Mỹ.

Tại sao chính sách của Mỹ lại trở nên thiếu nhất quán như vậy?

Một số ý kiến cho rằng Mỹ đang bị phân tán bởi những diễn biến hiện nay ở Syria, Iran, Ai Cập, Venezuela, Triều Tiên, Ukraine và các khu vực khác nữa. Một số khác lại cho rằng các nhà hoạch định chính sách không cảm thấy cần phải phản ứng lại Trung Quốc, bởi quân sự của Trung Quốc vẫn yếu hơn và kinh tế thì chưa phát triển đầy đủ. Cũng có thể người Mỹ đã quá mệt mỏi với chiến tranh, xung đột, thảm họa thiên nhiên, và giờ đây chỉ muốn tập trung vào các vấn đề trong nước.

Trung Quốc cam kết không gây hấn trước

Trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Bắc Kinh hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cam kết Bắc Kinh sẽ không gây hấn trước trong các tranh chấp lãnh thổ. Theo Tân Hoa Xã, ông Thường tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang quản lý và “sẽ không nhượng bộ”. Tuy nhiên ông Thường cho biết Trung Quốc “sẵn sàng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình với các nước liên quan”.

Ông Hagel một lần nữa khẳng định Mỹ không đứng về phía nào trong các tranh chấp chủ quyền, nhưng nhắc Trung Quốc rằng Nhật và Philippines là hai đồng minh lâu đời của Washington. “Mỹ có hiệp ước an ninh với cả hai nước và chúng tôi cam kết tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong hiệp ước” - ông Hagel cho biết.

GS TERRY F. BUSS (ĐH Carnegie Mellon, Úc)THÚY ĐÀO dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên