TTCT - Không được đẩy đuổi hàng rong trong quá trình lập lại trật tự lòng lề đường, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong truyền đạt đến lãnh đạo các quận huyện. Một cuộc mua bán diễn ra trên đường Nguyễn Du, Q1, TP.HCM, một tuần sau chiến dịch vỉa hè. Điều chỉnh những vấn đề như thế này mới là vấn đề chính. Ảnh Huy Thọ Sáng chủ nhật, quán hủ tiếu và cà phê cóc trên vỉa hè trước nhà hát Trần Hữu Trang (đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) vắng hơn mọi khi. Chiếc xe đẩy kiêm nhà bếp di động đặt lùi sâu vào trong sân, mấy chiếc bàn nhựa, ghế xúp con con cũng co mình sát mép vỉa hè. Từ đây nhìn ra hai phía, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Cư Trinh thênh thang đến lạ. Lùi vô một chút... Một người khách đi xe máy cho xe dừng trên vỉa hè. Chị chủ quán nhanh nhảu: “Anh cho xe vô trong này luôn, đậu đó công an bắt à!”. Theo lời chị chủ quán, từ khi UBND Q.1 ra quân lập lại trật tự vỉa hè, các phường cũng đi kiểm tra gắt gao. Mọi hôm, xe hủ tiếu đặt trên vỉa hè, bàn ghế chồm ra ngoài, khách ngồi tụm năm tụm ba vừa ăn, uống cà phê vừa chuyện trò. Giờ chấp hành “lệnh của chính quyền” nên quán di động này lùi vô một chút, khách ngại cảnh ăn nửa chừng bỏ chạy nên cũng vắng đi. Hỏi chuyện thu nhập, thuế phí ra sao, chị chủ quán nhỏ giọng: “Bán di động vầy ai thu thuế anh ơi, còn thu nhập thì bữa đực bữa cái”. 10h, hai mẹ con bà Lê Thị Khế (61 tuổi) ngồi chèo queo bên gánh bún xào, bún thịt nướng trong hẻm 45 Đinh Tiên Hoàng (P.Bến Nghé, Q.1) vì ế khách. Bà Khế bán bún trộn trước cổng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM gần 20 năm nay. Khi TP ra quân lập lại trật tự vỉa hè, hai mẹ con bà chuyển vào hẻm nhỏ gần đó. Con hẻm chỉ đủ hai chiếc xe qua lại, góc mưu sinh của mẹ con bà Khế cũng thu bé lại. “Ngồi trong hẻm ni, người ta biết hoàn cảnh của dì nên không la. Sinh viên ở đây cũng biết dì nên ghé mua, chứ chuyển đi nơi khác biết bán cho ai” - bà Khế tâm sự. Quê ở Huế, bà Khế vào Sài Gòn buôn bán từ lúc chị Sương, con gái út của bà, 17 tuổi. Nay chị Sương 28 tuổi, cũng theo mẹ vào Sài Gòn quẩy thêm gánh bún thịt nướng đi bán. Nhiều lần hai mẹ con bà thay nhau đi nộp phạt ở phường, nhưng rồi phải bám víu gánh hàng vì miếng ăn, tiền chạy chữa bệnh của chồng mỗi ngày đều trông chờ vào gánh bún của bà. Bà Khế kể chồng bà đang chạy thận nhân tạo ở Huế, đã trải qua bảy lần mổ. Vợ con đi xa, cơm nước nhờ hàng xóm lo giùm. Một tháng bà phải bòn góp 3 triệu đồng gửi về cho chồng chạy chữa. “Mỗi lần mổ là dì nghỉ bán, về lo bốn tháng trời rồi mới vào kiếm tiền chu cấp tiếp cho ổng” - bà Khế kể. Nhìn thấy đôi mắt mẹ đỏ hoe, chị Sương quay sang nói: “Hơn 200 triệu tiền chạy thận cho ba bao năm qua nhờ hết vào gánh bún này”. Những ngày qua bị dẹp quá nên chị Sương phải xin bán nhờ ở chỗ một công ty gần chợ Bến Thành. Bán hết, chị chạy tạt sang phụ giúp mẹ. Tầm 11h, sinh viên đổ ra mua nhiều. Miệng chào mời, đôi tay nhanh nhẹn chuẩn bị từng hộp bún xào, bún thịt nướng nhưng bà không quên nhắc nhở các sinh viên đứng nép vào để né đường cho xe qua lại. Khách đông, vừa bán vừa lo sợ không có đường cho xe đi nên tay bà Khế cứ líu quíu. Bán cho khách mà hộp quên chả giò, hộp quên nước tương. Khi sinh viên vào lớp thì gánh bún của bà cũng vơi đi phần nào. Trước khi quẩy gánh về, mẹ con bà Khế quét dọn, trả lại sự vắng vẻ vốn có của con hẻm. Gánh hàng rong “gánh” cả gia đình Ghé mua túi bánh tráng trộn ngay góc đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng (Q.1), chưa kịp hỏi đã nhận ngay cái chép miệng giọng Bình Định của người đàn bà trạc ngoài 50 tuổi: “Trời ơi, mấy nay chạy tán loạn hết con ơi. Cô nghỉ bán một tuần y đó con. Giữa Sài Gòn này, nghỉ bán thì tiền đâu mà sống...”. Đó là bà Trương Mỹ Trinh, có gần 30 năm bán bánh tráng trộn, xoài, sắn... Bà quen mặt từng nhân viên mới, nhân viên cũ của các tòa nhà xung quanh Q.1. Bà Trinh kể một mình lặn lội vào Sài Gòn 24 năm nay. Đứa con đầu khi đó 4 tuổi, giờ hơn 27 tuổi, là nhân viên kế toán của một công ty ở TP. Ngày đầu vào Sài Gòn, bà theo người ta bán cám gạo ở các chợ. Không nhà, không cửa, cơm áo chật vật nên cũng không có tiền thuê trọ, cứ tối về là bà lang thang tìm chỗ ngủ trước chợ Bến Thành. “Thời đó có nhiều người buôn bán xa quê cũng ăn ngủ y như mình. Ăn ngủ cùng dân giang hồ, dân xì ke, siđa riết rồi thấy đời mình lang bạt như giang hồ. Sau này người ta quyết dẹp hết, từ đó mình mới đi mướn nhà trọ” - bà Trinh nói. Bắt đầu một ngày làm việc từ lúc 4h chiều, bà đi chợ mua xoài, ổi, sắn, gia vị, bánh tráng... về để chuẩn bị cho kịp 7h gánh hàng xuất phát. Bán mãi đến 1-2h sáng, bà mới quẩy gánh về căn phòng trọ dưới chân cầu Ông Lãnh. Gạt dòng mồ hôi chảy dài trên trán, bà nói: “Muốn thêm tiền thì phải chịu cực. Bán ban đêm kiếm thêm được 100.000 đồng cũng đỡ được phần nào”. Những đồng tiền kiếm được trong hành trình rong ruổi của bà đã được đền đáp xứng đáng bằng việc nhìn thấy các con trưởng thành, cảnh nhà cũng không còn chật vật như trước. Ở trọ với bà Trinh có sáu người đều quê Bình Định vào Sài Gòn buôn bán vỉa hè. Gần tháng nay, một số người buôn bán ở điểm “nóng” tạm nghỉ, chờ tình hình ra sao rồi tính tiếp. Đằng sau gánh hàng rong là cuộc sống của bao người. ảnh Nguyễn Triều Cần có chỗ cho hàng rong Có những người may mắn nhận được sự cảm thông, buôn bán trên vỉa hè rộng. Từ 5h, bà Nguyễn Thị Thắm (quê Thái Bình) quẩy gánh trái cây đến góc đường Trương Định đoạn gần đường Lý Tự Trọng, Q.1. Bà Thắm bày biện hàng gọn gàng trong vạch chỉ vàng, dành lối rộng cho người đi bộ. Bà Thắm vào Sài Gòn buôn bán ở góc phố này gần 8 năm. Gánh hàng trái cây của bà nuôi người con đầu học đại học và con gái út ở quê học lớp 10. Biết hoàn cảnh của bà, chủ nhà hàng vui vẻ cho bà ngồi bán trước cửa nhà. Bà Thắm chia sẻ: hằng ngày đến bán bà ngồi gọn trong vạch chỉ vàng, buôn bán quét dọn vệ sinh sạch sẽ, không bày biện lung tung. Hỏi nếu dẹp hẳn bà làm gì, bà Thắm cười: “Đến đâu tính đến đó. Đô thị đi bắt hoài, nhiều lúc nghĩ cũng muốn bỏ, nhưng bỏ không biết làm gì. Việc TP lấy lại vỉa hè cho người đi bộ tui ủng hộ, nhưng nên tạo điều kiện cho chúng tôi bán chỗ nào đấy rồi đóng thêm tiền thuê cũng được. Tiền thuế có khi còn ít hơn cả tiền chúng tôi thường nộp phạt”. Còn bà Nguyễn Thị Kim (quê Thanh Hóa) lại chọn một góc chưa đầy 1m2 vỉa hè đường Lê Quý Đôn (Q.3) bám víu mưu sinh 10 năm nay. Trên chiếc xe đẩy nhỏ nép sau tấm biển nhà hàng lớn, khoảng ba chai cà phê pha sẵn, một hũ đường, hai chai nước suối... Từ ngày lập lại trật tự vỉa hè, bà đứng ngồi thấp thỏm, vừa bán vừa ngó xung quanh. Thuyết phục mãi bà mới thật tình: “Cả tháng nay lo lắm rồi. Mấy con đưa lên báo, họ xuống dẹp, dì hết đường làm ăn. Ai cũng biết việc dọn dẹp vỉa hè là đúng, nhưng người bán hàng rong không bám lấy vỉa hè làm ăn thì lấy chi bỏ vào miệng”. Theo thạc sĩ Lê Minh Tiến - Trường ĐH Mở TP.HCM, đặc điểm tiêu dùng của người Việt là tin vào người quen. Một tô cháo lòng bán rong được múc từ nồi ra, miếng lòng xắt thả vào, thêm nhúm hành ngò... đều diễn ra trước mắt và người ta tin như thế là sạch, là ngon. Chính vì tư duy tiêu dùng như vậy nên sự tồn tại của hàng rong là một nhu cầu có thật của xã hội. Tuy nhiên, TP.HCM không thể “đóng cửa tự lo chuyện của mình”. Lượng người nhập cư vào TP.HCM ngày càng đông, trong khi hạ tầng đô thị phát triển không theo kịp. Nhiều người nhập cư không được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, không có vốn liếng để tạo sự nghiệp riêng, mà chủ yếu bán sức cho những công việc lao động phổ thông hoặc buôn bán hàng rong. Ông Tiến đề xuất: trước mắt cấm tuyệt đối bán hàng rong dưới lòng đường và trên những vỉa hè quá hẹp để không gây cản trở, mất an toàn giao thông. TP cần quy hoạch những tuyến đường có vỉa hè rộng, kẻ vạch giới hạn và cho phép bán hàng rong ở đó kèm theo các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Nếu sắp xếp tốt, chúng ta vừa có được mỹ quan đô thị, lối cho người đi bộ, vừa giữ được sinh kế cho người bán hàng rong. ■ Tags: Vỉa hèDọn dẹp vỉa hèTrật tự vỉa hèKinh tế vỉa hè
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".